Dân Việt

Ngăn chặn, xử lý nghiêm việc thu mua rễ tiêu bất thường

Hoàng Anh - Thuận Hải 11/05/2018 19:24 GMT+7
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã chặt bỏ vườn tiêu, đào gốc cây này rồi bán cho các thương lái.

Ông Nguyễn Quang - một hộ trồng tiêu tại xã Xuân Thọ cho biết, nhiều nhà vườn vì tình hình giá tiêu xuống thấp nên khi chặt bỏ vườn tiêu đã “tranh thủ” đào gốc để bán lấy tiền. Ông Quang thông tin, khi hỏi mua, thương lái không phân biệt rễ tiêu còi cọc, già cỗi phải phá bỏ hoặc vườn cây bị dịch bệnh, chết.

Tất cả sản phẩm mua được đều gom chung với nhau để bán cho một số mối thương lái Trung Quốc. Giá bán tùy loại rễ đã phơi khô hoặc rễ tươi…

img

Nông dân Đặng Quang Hải với số rễ tiêu chưa bán cho thương lái. Ảnh:  Hoàng Anh

Một số thương lái cũng bắt đầu tìm về các vùng trồng tiêu khác của tỉnh Đồng Nai như các xã Thanh Bình, Cây Gáo (huyện Trảng Bom) để hỏi mua rễ tiêu.

Theo UBND xã Xuân Thọ, tình trạng trên diễn ra từ tháng 4. Cơ quan chức năng ghi nhận số rễ cây được các thương lái thu mua và chuyển cho một công ty chuyên đóng hàng xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. “Họ mua với giá 15.000 đồng/kg rễ tươi, 80.000 đồng/kg rễ khô. Vì cây già, đã đến lúc phải cải tạo nên tôi quyết định chặt bỏ, đào rễ bán. Số tiền thu được từ rễ tiêu khoảng 4 triệu đồng” - nông dân Đặng Quang Hải nói.

Theo người dân xã Xuân Thọ, có khoảng 4 thương lái chuyên thu mua rễ tiêu. Những người này đứng ra thu mua rồi chuyển cho một công ty đóng hàng xuất qua thị trường Trung Quốc.

Về tình trạng này, ông Lê Đình Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết, chính quyền đã vào cuộc xác minh diện tích tiêu mà ngươi dân đào gốc khoảng 10ha. Thương lái thu mua rễ cây của nông dân rồi bán cho một công ty TNHH ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc. Số rễ cây sau đó được công ty này chuyển cho một công ty ở TP.HCM xuất bán sang Trung Quốc.

“Có 14 hộ dân cải tạo vườn và thu gom rễ tiêu bán cho thương lái. Chúng tôi làm việc với công ty thu mua và đề nghị công ty này ngưng mua rễ để ổn định tình hình, bảo vệ cây trồng. Xã cũng làm văn bản gửi lên cấp trên để có phương hướng xử lý” - ông Hưng nói.

Trước thực trạng trên, Sở NNPTNT Đồng Nai đã phát thông báo cho rằng việc mua rễ hồ tiêu có dấu hiệu bất thường có thể dẫn đến tình trạng người dân chặt phá vườn tiêu hoặc xảy ra tình trạng trộm rễ, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và an ninh trật tự. Sở đề nghị các địa phương vận động nông dân không bán phế phẩm hồ tiêu cho thương lái; ngăn chặn tình trạng thu mua và xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị mua rễ cây này.