Dân Việt

Hạn, mặn đến sớm, nông dân Quảng Nam lo đứng lo ngồi

Lan Anh 11/05/2018 14:30 GMT+7
Dù đã đến vụ đổ ải (đổ nước cho mềm đất rồi gieo lúa) nhưng hàng ngàn hecta ruộng lúa của nông dân ở Quảng Nam vẫn trơ ra vì thiếu nước. Hàng loạt trạm bơm đứng máy vì nước nhiễm mặn. Nguy cơ một vụ mùa trắng tay đang rình rập nông dân do đồng ruộng bị khô hạn và các dòng sông nhiễm mặn sớm.

Canh cánh nỗi lo thiếu nước tưới

Giữa trưa nắng như đổ lửa, nhiều nông dân ở thôn Cao Lâu Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên vẫn tranh thủ xuống đồng để làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương chuẩn bị cho vụ lúa Hè Thu, thế nhưng, nghe tin mặn đến sớm khiến bà con đứng ngồi không yên. Lão nông Lê Tấn Hướng, thôn Cao Lâu Đông lo lắng: Mới đầu mùa hạ mà các dòng sông đã khô hạn. Vụ Hè Thu năm nay, gia đình gieo sạ 4 sào lúa và 3 sào màu, nếu mặn xâm nhập sâu, nguy cơ mất mùa rất lớn.

img

Xâm nhập mặn đến sớm khiến công tác vận hành các trạm bơm gặp nhiều khó khăn.

“Đất đã cày xong, lúa, phân đã chuẩn bị sẵn, bà con chỉ còn ngồi chờ nước. Lo thiếu nước, mấy hôm ni bà còn tập trung đắp bờ để giữ nước, đảm bảo toàn bộ diện tích lúa và màu đủ nước tưới” - ông Lê Tấn Hướng chia sẻ.

Hiện nhiều con sông hạ lưu sông Thu Bồn nước mặn xâm nhập với nồng độ cao khiến nhiều trạm bơm treo máy. Trong đó, tại khu vực từ cầu Câu Lâu cũ ngược lên cầu Đen, nồng độ mặn đo được lên đến 6 phần nghìn. Ông Nguyễn Văn Phương - Cụm trưởng Trạm bơm Xuyên Đông, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết, chưa năm nào mặn xâm nhập sớm như hiện nay. Đáng lo là chỉ vài ngày nữa, bà con sẽ xuống giống trà 1 vụ Hè Thu. Hiện cán bộ thủy lợi phải trực thường xuyên để kiểm tra nồng độ mặn trong nước, khi hạ xuống mức cho phép là tranh thủ bơm liền để phục vụ cho các cánh đồng.

“Từ ngày 28/04 mặn đã xâm nhập với diễn biến phức tạp. Nồng độ mặn tại bể hút đo được đã lên đến 6 phần nghìn. Với nồng độ này, bơm nước lên giống lúa sẽ chết liền. Thường nồng độ mặn bằng hoặc dưới 0,8‰ mới bơm được, còn như hiện nay phải ngồi chờ khi nào nồng độ mặn giảm mới tiến hành bơm. Khả năng không phục vụ kịp tiến độ gieo sạ của địa phương đưa ra là 15.5 bắt đầu đổ ải rất lớn”- ông Phương cho biết.

Chủ động đối phó

Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: Nếu thời gian tới nước mặn vẫn tiếp tục xâm nhập vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ cao như mấy ngày qua thì trạm bơm điện Xuyên Đông và trạm bơm điện 19.5 ở huyện Duy Xuyên sẽ vận hành rất khó khăn. Kéo theo đó là ít nhất 800ha đất lúa trên địa bàn thị trấn Nam Phước và các xã Duy Phước, Duy Vinh do 2 trạm bơm này đảm nhận tưới sẽ thiếu trầm trọng nguồn nước để đổ ải gieo sạ vụ hè thu 2018.

img

Hiện cán bộ thủy lợi phải trực thường xuyên để kiểm tra nồng độ mặn trong nước.

“Với tình hình nguồn nước khó khăn, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tranh thủ nước ngọt để làm đất, gieo sạ, tập trung giống ngắn ngày đến thu hoạch trước ngày 10/9. Đồng thời xin chủ trương của tỉnh để đắp đập ngăn mặn ở Cầu Đen. Huyện cũng đã dự phòng nguồn kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để chi thực hiện biện pháp đối phó, trong đó chủ yếu là nạo vét sông, suối và lắp đặt hệ thống máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước ngọt giải hạn cho cây lúa”.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, tình trạng khô hạn, nhiễm mặn có khả năng diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ở vùng hạ lưu các sông, độ mặn ảnh hưởng mạnh dần vào các tháng 6 - 7. Vì vậy, để đối phó hiệu quả với tình trạng khô hạn, ngay từ bây giờ ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn, triển khai đồng bộ các giải pháp chống nhiễm mặn. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm, nhất là tại các khu vực đang bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, vận động người dân tích cực ra quân nạo vét các tuyến kênh mương chính, nội đồng và đắp bờ vùng bờ thửa.