Dân Việt

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran: Kẻ thắng, người thua

Tiểu Đào 11/05/2018 17:00 GMT+7
Dẫn: Khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ai sẽ là kẻ thắng – người thua sau động thái chấn động thế giới này?

Tổng thống Iran: THUA

img

Tổng thống Hassan Rouhani

Tổng thống Hassan Rouhani – người thường nhìn nhận là một nhà lãnh đạo ôn hòa, nhà cải cách – chính là người đã ký kết với phương Tây, đánh đổi chương trình hạt nhân của Iran để được dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế. Vào thời điểm đó, ông hi vọng rằng thảo thuận này sẽ cải thiện mối quan hệ của Iran với cộng đồng quốc tế cũng như nâng cao đời sống của người dân Iran.

Tuy nhiên, thỏa thuận mà ông Rouhani ký lại khiến những người theo phe “cứng rắn” với phương Tây mất lòng. Việc Mỹ áp đặt lại lệnh cấm vận  sẽ là một đòn đánh mạnh vào hình ảnh của vị Tổng thống Iran, cho thấy ông đã thất bại và những người chống đối ông sẽ có lý do để chỉ trích rằng chính ông Rouhani là người khiến người dân chịu khổ.

Phe “cứng rắn” của Iran: THẮNG

img

Phe "cứng rắn" của Iran coi đây là cơ hội để chỉ trích và thậm chí là hạ bệ Tổng thống Hassan Rouhani

Khi Tổng thống Hassan Rouhani là người thua, những người theo phe “cứng rắn” dĩ nhiên là có lý do để ăn mừng. Từ trước đến nay, phe đối lập luôn chỉ trích chính phủ của Tổng thống Rouhani đã “đầu hàng” quá nhiều quyền lợi của Iran trong thỏa thuận với phương Tây.

Đáng chú ý, trong số những người phản đối ông, có cả những nhân vật đầy ảnh hưởng trong Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, các giáo sĩ bảo thủ và các thành viên của tầng lớp tinh hoa nắm quyền.

Quyết định của ông Trump với thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là công cụ để ép buộc ông Rouhani phải “cứng rắn” hơn với phương Tây. Thậm chí, phe đối lập còn có thể tìm cách thay thế ông Rouhani bằng một người khác có lập trường như họ mong muốn.

Nền kinh tế Iran: THUA

img

Nền kinh tế Iran chắc chắn sẽ chịu thiệt hại không chỉ trước mắt mà còn về lâu về dài

Việc rút khỏi thỏa thuận Iran và mới đây nhất là cấm vận 6 cá nhân và 3 công ty có liên quan tới Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới nền kinh tế Iran.

Từ sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, nền kinh tế nước này tuy được cởi trói nhưng vẫn tăng trưởng chậm chạp. Theo BBC dẫn lời của nhiều người dân Iran, thỏa thuận này không đem lại bất kỳ tác động tích cực nào tới đời sống hàng ngày.

Hiện tại, nếu việc trừng phạt được tăng cường, việc xuất khẩu dầu mỏ - một nguồn thu chính của Iran – sẽ bị tổn thương. Lúc này, tác động lên nền kinh tế và đời sống hàng ngày sẽ rõ ràng hơn nhiều so với lợi ích mà thỏa thuận với phương Tây đem lại.

Thủ tướng Israel: THẮNG

img

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Từ khi đàm phán cho tới lúc ký kết và có hiệu lực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu luôn không ngừng chỉ trích thỏa thuận vì cho rằng phương Tây “để lọt” khả năng Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Với Tel Aviv, Tehran không phải là một đối tác đáng tin cậy và đã “lừa dối” thế giới về chương trình hạt nhân cho mục đích quân sự của mình.

Về phía mình, Israel cũng coi Iran là mối đe dọa cho sự tồn tại của nhà nước Do Thái. Do đó, không quá ngạc nhiên khi ông Netanyahu là người thắng sau quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ.

Tổng thống Mỹ: THẮNG VÀ THUA

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Việc ký quyết định rút khỏi thỏa thuận Iran được đánh giá là một bước đi đầy mạo hiểm của Tổng thống Donald Trump. Khi mà Mỹ đã xé bỏ thỏa thuận nói trên, rất ít khả năng Iran sẽ lại chịu ngồi vào bàn đàm phán một lần nữa, đẩy cả khu vực vào thế căng thẳng. Không chỉ có vậy, trên trường quốc tế, uy tín của nước Mỹ cũng bị sụt giảm.

Cụ thể, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố thẳng: “Ngay từ đầu tôi đã nói: đừng có tin nước Mỹ”. Nhiều người dân trên thế giới, trong đó đương nhiên có người dân Iran, đã dùng mạng xã hội để bày tỏ sự phẫn nộ, tố cáo nước Mỹ “lừa đảo và thiếu trung thực”.

Ngoài ra, việc ông Trump một mực bỏ ngoài tai lời khuyên của các đồng minh châu Âu cũng khiến quan hệ của Mỹ với các nước này bị tổn hại.

Tuy nhiên, thông qua việc này, ông Trump lại có một cái thắng: Ông chứng minh được với những người ủng hộ và cả thế giới rằng ông là kiểu người “nói là làm”.

Châu Âu: THUA

img

Châu Âu đang thua trong canh bạc Iran?

Trước hôm 8.5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã dành hàng tuần vận động ông Trump ở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran. Do đó, việc “cứu” được nỗ lực phải mất một thập kỷ mới đạt được sẽ là thất bại của các nước châu Âu.

Bệnh cạnh đó, hồi tháng trước, Iran đã chọn đồng euro hay vì đồng USD làm đơn vị tiền tệ chính thức trong các báo cáo của mình. Việc này diễn ra trong bối cảnh EU - đối tác thương mại lớn nhất của Iran - đang có lợi ích của riêng mình trong việc duy trì thỏa thuận.

Do đó, quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân – động thái có thể dọn đường cho các lệnh cấm vận thêm sau này – sẽ là “bàn thua” của EU trong canh bạc Iran. Hiện tại, các nước EU đang đứng trước 2 khả năng: “gật đầu” với các lệnh cấm vận của Mỹ và chấp nhận tổn hại kinh tế hoặc “lắc đầu” và để mối quan hệ với Washington bị “sứt mẻ” đôi chút.

Ả Rập Saudi: THẮNG

img

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman

Ả Rập Saudi là một trong những nước đầu tiên hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump. Lý do là Riyadh coi Tehran là một đối thủ trong khu vực cũng như lo ngại ảnh hưởng của Iran tại Iraq, Syria, Lebanon và Yemen. Từ trước đến nay, hai nước đều cố tranh giành ảnh hưởng tại khu vực và trong vài tháng gần đây, căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran đang tăng khá nhanh.

Bản thân Thái tử Mohammed bin Salman cũng là một người phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran và đã lập ra một chiến dịch vận động đáng kể để “giết” thỏa thuận này.