Triều Tiên và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa kho tên lửa đạn đạo Iran.
Theo National Interest, Iran là quốc gia hiếm hoi ở Trung Đông ngày nay đối trọng với Mỹ và đồng minh, đặc biệt là Israel.
Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran có những thay đổi cơ bản về chính trị, quay sang ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập và coi Israel, quốc gia chiếm giữ thánh địa Jerusalem là kẻ thù nguy hiểm nhất.
Để đối phó trước mối đe dọa từ người Do Thái, Iran đã tập trung phát triển tên lửa tầm xa và nước này trở thành thế lực sở hữu tên lửa đạn đạo lớn nhất và mạnh nhất Trung Đông.
Chương trình nghiên cứu tên lửa được Iran đẩy mạnh trong cuộc chiến tranh với Iraq những năm 1980. Kể từ đó, Iran đã hợp tác với Libya, Triều Tiên và Trung Quốc để phát triển kho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình đồ sộ, nhằm răn đe kẻ thù.
Dưới đây là những tên lửa mạnh nhất trong kho vũ khí của Iran, theo National Interest.
Tên lửa đạn đạo chủ lực Shahab
Tên lửa Shahab trong một đợt phóng thử nghiệm.
Xương sống trong lực lượng tên lửa Iran là thế hệ Shahab sử dụng nhiên liệu lỏng. Đa số chúng là tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong khi phiên bản mới nhất mang tên Shahab-6 do Iran nghiên cứu được cải thiện tầm bắn tới 10.000km, theo tình báo Israel.
Tên lửa Shahab-1 lần đầu được Iran chế tạo dựa trên nguyên mẫu Scud-B của Liên Xô. Các thành phần tên lửa chủ yếu được nhập từ Libya và Triều Tiên. Tên lửa Shahab-1 có tầm bắn tối đa 330km, mang đầu đạn nổ nặng 1 tấn.
Iran hiện vẫn còn khoảng 300 tên lửa Shahab-1 trong kho vũ khí. Iran sau đó phát triển Shahab-2, dựa trên nguyên mẫu Scud-C. Phiên bản nâng cấp giúp nâng tầm bắn tới 500km nhưng trọng lượng đầu đạn giảm còn 770kg.
Iran lần đầu phóng thử tên lửa đạn đạo Shahab-2 vào năm 1998 và đưa vào trực chiến từ năm 2004. Giống như Shahab-1, mẫu tên lửa này của Iran sử dụng xe phóng di động.
Giới phân tích quân sự nhận định, dựa trên kinh nghiệm trong cuộc chiến với Iraq, Iran thường không đưa các tên lửa này ra xa căn cứ quá 100km, bởi vấn đề liên quan đến an ninh và hỗ trợ hậu cần.
Tehran mua khoảng 100-170 tên lửa Shahab-2 từ Triều Tiên, và đã tự mình sản xuất được tên lửa này, với một số linh kiện ngoại nhập. Đáng chú ý nhất là mẫu tên lửa Shahab-3, bởi đây là tên lửa tầm trung đầu tiên của Iran.
Tầm bắn của tên lửa vào khoảng 1.500km, đủ để vươn tới Israel hoặc Iran có thể đưa tên lửa đến Syria để mở rộng tầm bao phủ toàn bộ lãnh thổ đối phương. Tên lửa sử dụng đầu đạn khoảng 1,2 tấn.
Shahab-3 được cho là phát triển dựa trên nguyên mẫu No Dong-1 của Triều Tiên. Tên lửa có 2 tầng với động cơ tách biệt và có thể mang theo nhiều đầu đạn.
Hiện chưa rõ Iran sở hữu bao nhiêu tên lửa Shahab-3, nhưng nước này dường như đã nâng cấp hệ thống hoạt động và độ chính xác của tên lửa nhờ công nghệ từ Pakistan.
Tên lửa đạn đạo hiện đại Fateh
Mẫu tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn Fateh.
Trái ngược với các tên lửa Shahab, Fateh là mẫu tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn. Các nguyên mẫu Fateh-110 và Faeth-331 đều là tên lửa tầm ngắn, sử dụng xe phóng.
Tên lửa đạt độ chính xác cao, với sai số khoảng 100 mét. Ưu điểm là có thể khai hỏa bất ngờ nhờ nhiên liệu rắn.
Bộ Tài chính Mỹ từng cáo buộc các công ty Trung Quốc hỗ trợ Iran phát triển thế hệ tên lửa Fateh.
Năm 2016, Iran giới thiệu mẫu tên lửa Zolfaghar mới nhất dựa trên Fateh. Tên lửa này có kích thước tương đương Fateh-110 nhưng đạt tầm bắn lên tới 700km và có hệ thống định vị mới đặt ở trước mũi.
Iran tuyên bố Zolfaghar có thể mang theo nhiều đầu đạn để tấn công nhiều mục tiêu độc lập. Tình báo Israel coi tên lửa này là mối đe dọa trực tiếp bởi nếu được bí mật đưa sang Syria, Iran sẽ có vị trí lý tưởng để “dội bão lửa” vào thủ đô Israel, đặc biệt là thành phố Jerusalem.
Tên lửa tầm trung Sejjil
Sejjil là mẫu tên lửa tầm trung bao phủ toàn bộ lãnh thổ Israel.
Sejjil là mẫu tên lửa đạn đạo mới nhất trong kho vũ khí của Iran, được đưa vào trực chiến năm 2014. Tên lửa có thể mang đầu đạn 1,5 tấn, đạt tầm bắn khoảng 2,000km, đủ để bao phủ hầu hết lãnh thổ Israel.
Giới phân tích cho rằng, Sejjil có những tính năng tương đương mẫu DF-11 và DF-15 của Trung Quốc, nhiều khả năng do Trung Quốc hỗ trợ phát triển.
Mẫu tên lửa Sejjil-3 mới nhất với 3 tầng nhiên liệu riêng biệt, đạt tầm bắn tối đa 4.000km. Trọng lượng khi phóng vào khoảng 38 tấn. Tên lửa này có khả năng tự thay đổi hành trình bay để né tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.
Tên lửa chống hạm Khalij Fars
Tên lửa chống hạm Khalij Fars là công cụ răn đe hiệu quả tàu chiến Mỹ ở vịnh Ba Tư.
Nếu chiến tranh nổ ra, Iran hiểu rằng nước này sẽ phải đối đầu với cả đồng minh Israel là Mỹ. Để thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) trước hải quân Mỹ từ vịnh Ba Tư, Iran ráo riết phát triển mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm mạnh mẽ.
Dựa trên phiên bản Fateh-110, Khalij Fars lần đầu được Iran thử nghiệm vào năm 2011. Tên lửa gây chú ý bởi khả năng đánh trúng mục tiêu trên biển lên tới 100%
Khalij Fars có tầm bắn khoảng 300km, trang bị đầu đạn 650kg, miễn nhiễm với mọi hệ thống đánh chặn. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn hướng riêng nên có thể bắn trúng mục tiêu mà không lo bị đối phương sử dụng phương án tác chiến điện tử.
Tướng quân đội Iran từng cảnh báo: “Ngày nay, Iran đã sở hữu tên lửa có thể nghiền nát tàu chiến Mỹ như những vỏ hộp và nhấn chìm chúng xuống biển sâu”.
Có thể nói, chiến lược quốc phòng Iran phụ thuộc lớn vào kho tên lửa đạn đạo lên hàng ngàn đạn tên lửa. Iran chỉ tập trung phát triển tên lửa tầm trung để đạt mục đích san phẳng mọi km2 lãnh thổ Israel nếu chiến tranh nổ ra.
Nước này cũng sở hữu năng lực phòng vệ trên biển đáng kể, đủ sức kìm hãm sức chiến đấu của các hạm đội tàu sân bay Mỹ trong khu vực.
Nếu chiến tranh hạt nhân giữa phương Tây và Nga nổ ra, một nửa châu Âu có thể bị san bằng thành nơi hoang vu không có người...