Ngày 23.4.2018 vừa qua, website Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) có bản công bố thông tin rất lạc quan với các nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu rằng: “Đối tác Hongkong Land đã chuyển một khoản tiền lớn cho đợt thanh toán đầu tiên liên quan đến việc hợp tác phát triển căn hộ cao cấp tại Thủ Thiêm...” .
Việc CII nhận được khoản tiền như thông báo trên xuất phát từ việc năm 2016 Công ty này đã được UBND TP.HCM giao hai khu đất "vàng" 9ha sử dụng ổn định lâu dài (xây dựng nhà ở) và 0,6ha sử dụng 50 năm (xây dựng văn phòng cho thuê) tại khu chức năng số 3 và số 4 của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cuối năm 2017, CII đã đem hai khu đất này liên doanh với đối tác đến từ Trung Quốc là Tập đoàn Hongkong Land để triển khai xây dựng khu phức hợp chung cư cao cấp. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến hơn 400 triệu USD với khoảng 1.140 căn hộ.
Lý do UBND TP.HCM giao hai khu đất "vàng" Thủ Thiêm cho CII là để đổi lại việc Công ty này ký kết thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Quy mô dự án BT CII thực hiện để đổi hai khu đất "vàng" Thủ Thiêm bao gồm việc: Xây dựng đường trục Bắc – Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) dài khoảng 1,1 km và đường nội bộ trong phạm vi khu chức năng số 3, số 4 với tổng chiều dài khoảng 8,3 km. Cùng với đó còn có các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, liên lạc, hào kỹ thuật, cây xanh. Tổng vốn đầu tư dự án BT này dự kiến khoảng 2.641 tỷ đồng.
Hiện trạng dự án BT mà CII đang thực hiện để đổi hai khu đất "vàng" tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo khảo sát thực tế của phóng viên ngày 11.5.2017 cho thấy có hàng chục hộ dân đã không đồng ý di dời giải tỏa và tiếp tục bám trụ trong các căn nhà tạm bợ, xuống cấp, ngập nước, sinh hoạt tại đây.
Căn nhà một trệt, một lầu của bà Nguyễn Thị Giáp (78 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Bình An) nằm khuất sau một căn khác đã bị giải tỏa với những bức tường nham nhở. Bà cho biết gia đình nhiều năm qua liên tục gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng, nhằm chứng minh phần đất của mình không thuộc diện quy hoạch và kiên quyết không tái định cư.
Ông Trần Đình Chương, ngụ tại 12/17 đường Lương Định Của, phường An Khánh, cho biết từ năm 2011, ông bắt đầu đi tìm những tập hồ sơ, bản đồ này và thường xuyên ra Hà Nội để chứng minh khu đất 1.200m2 của ông và nhiều hộ dân khác không nằm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói chung và trong dự án BT của Công ty CII nói riêng.
Mỗi khi mưa lớn, triều cường, hàng chục hộ dân tại đây phải sống trong cảnh nước ngập nhiều ngày liền.
Đây là khu vực khá trũng, hạ tầng giao thông, thoát nước bị bỏ ngỏ nên mỗi lúc triều cường lên hoặc mưa lớn sẽ bị ngập sâu, đường ra vào rất khó khăn nhưng các hộ dân vẫn bám trụ.
Những đứa trẻ đang vui đùa trên con đường ngập nước trong dự án BT đổi đất "vàng" Thủ Thiêm sau đó đem đi liên doanh với đối tác Trung Quốc của Công ty CII.
Người dân Thủ Thiêm phải sống cạnh những con ngập nước, đầy rác và xuống cấp trầm trọng, nhưng vì dính quy hoạch nên đã hàng chục năm nay không được sửa chữa.
Lãnh đạo CII tay bắt mặt mừng với đối tác Trung Quốc trong lễ kí kết hợp đồng phát triển dự án căn hộ cao cấp Thủ Thiêm cuối năm 2017. Hợp đồng hàng ngàn tỷ đồng này có được từ những khu đất "vàng" của người dân Thủ Thiêm đã bị di dời giải tỏa.