Đây là quan điểm của bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) xung quanh kết quả phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thủy trong vụ án dâm ô trẻ em xảy ra ở TP Vũng Tàu.
Bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cảm xúc của ông như thế nào khi tại phiên xử phúc thẩm vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu, bị cáo đã được giảm án từ 3 năm tù xuống 18 tháng tù treo?
BS Nguyễn Trọng An: Tôi rất bất ngờ và thất vọng vô cùng khi đọc tin này từ báo chí. Ngay từ đầu khi vụ này xảy ra, tôi đã có nhiều thắc mắc: Tại sao cơ quan điều tra lại trì hoãn?
Vụ việc xảy ra từ năm 2014 nhưng năm 2016, tôi có vào Vũng Tàu tổ chức 1 khóa tập huấn về Bảo vệ trẻ em cho gần 200 cán bộ, cộng tác viên ngành LĐTBXH và bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), các học viên cũng đã bày tỏ bức xúc về sự chậm trễ xử lý vụ việc này. Cuối cùng phải đến năm 2017 thì vụ việc mới được đưa ra xét xử.
Tôi cảm thấy xấu hổ trong khi tôi thì đi giảng về quy định cụ thể và tính ưu việt của Luật Trẻ em 2016, giảng về sự tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật nhưng thực tế thì kẻ dâm ô, xâm hại trẻ em vẫn nhởn nhơ, thách thức pháp luật; ngành bảo vệ pháp luật của tỉnh thì chậm trễ, thờ ơ.
Bản thân tôi đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ trẻ em (BVTE), tôi cảm thấy rất bất lực và xấu hổ khi Tòa phúc thẩm vụ án này kết luận như vậy.
Đây không phải là vụ án xâm hại trẻ em đầu tiên sau khi tòa tuyên án bị dư luận chỉ trích. Trước đó, trong vụ án xảy ra ở Ba Vì (Hà Nội), bị cáo cũng là một ông già cũng khoảng 80 tuổi, dù Tòa đã tuyên án 8 năm tù giam nhưng vẫn được cho tại ngoại. Ông có thể lý giải vì sao có các quyết định này?
BS Nguyễn Trọng An: Bản thân tôi cũng đã 2 lần nghe trực tiếp bố của em bé nạn nhân ở Ba Vì chia sẻ bức xúc và cũng đã vào Vũng Tàu trao đổi với Sở LĐTBXH tỉnh BR-VT hồi xảy ra vụ việc Nguyễn Khắc Thủy.
Tôi cũng không thể giải thích được tại sao, trong khi tội danh của 2 đối tượng ở Ba Vì và Vũng Tàu rất rõ ràng, Luật quy định cũng rất rõ ràng, Chủ tịch nước đã chỉ đạo rõ ràng thế mà thực tế thì vụ này đưa ra xét xử lại cho ra bản án như vậy, gây nghi ngờ trong dư luận, người dân.
Theo ông, vì sao không ít phiên xét xử hiếp dâm trẻ em không đi đến kết quả như gia đình nạn nhân, xã hội mong đợi?
BS Nguyễn Trọng An: Không hoàn toàn đúng như vậy. Có nhiều vụ tôi thấy xét xử kịp thời và rất nghiêm minh. Tuy nhiên có một số vụ việc xử lý khiến người dân thất vọng, bức xúc do bị chậm trễ, trì hoãn, tráo đổi khái niệm hoặc kết luận sai lệch tội danh kiểu giơ cao đánh khẽ.
Đơn cử như vụ ở Hoàng Mai (Hà Nội), phải đến 4 tháng sau, gã thanh niên dâm ô trẻ em vẫn nhởn nhơ đe dọa gia đình em bé, cho đến khi Thủ tướng chỉ đạo Công an Hà Nội mới vào cuộc, tước quyền của Công an Hoàng Mai để điều tra vụ án.
Vụ Nguyễn Khắc Thủy cũng kéo dài gần 2 năm trời đến khi Chủ tịch nước yêu cầu thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới chịu vào cuộc và bây giờ ra được kết quả bản án gây thất vọng người dân như vậy.
Theo ông, nếu xử không nghiêm những vụ án này thì sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến tâm lý các em và các gia đình có trẻ em gái bị xâm hại?
BS Nguyễn Trọng An: Tai họa khôn lường. Bản thân trẻ và gia đình đã phải chịu đựng những tổn thương tâm lý trong gần 3 năm qua.
Riêng bản thân em bé đã và sẽ tổn thương tâm lý nghiêm trọng, hậu quả chưa thể đong đếm được vì còn tùy thuộc vào sự trợ giúp tâm lý của những người thân trong gia đình và các cán bộ xã hội. Mong rằng sau các sang chấn vừa qua, em bé không bị xảy ra các diễn biến xấu về tâm lý như lo hãi, rối loạn tâm trí, trầm cảm, thậm chí xấu hơn.
Ông có kiến nghị gì về vụ việc ở Vũng Tàu nói riêng và các vụ án hiếp dâm trẻ em nói chung?
BS Nguyễn Trọng An: Đầu tiên, tôi đề nghị ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cần chính thức lên tiếng về vụ việc này. Ông là Ủy viên Thường trực của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ trẻ em. Ông hãy lên tiếng bảo vệ trẻ em và yêu cầu các cơ quan Bảo vệ Pháp luật của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuân thủ quy trình, hành xử đúng pháp luật, đảm bảo xét xử công minh, đúng người đúng tội. Không vì những lý do bị cáo này từng là cán bộ, sức yếu, có bệnh tuổi già,… mà giảm tội cho bị cáo.
Đồng thời, ông (Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - PV) cũng cần cảnh báo cho Hệ thống Bảo vệ chăm sóc trẻ em toàn quốc cần đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại và bạo lực trẻ em.
Tiếp đến, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hãy tổ chức đối thoại, lắng nghe những luật sư tâm huyết và ý kiến người dân về vụ việc này, Hội đồng Nhân dân tỉnh cần thực hiện đúng chức năng, giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng quá trình điều tra, tố tụng và xét xử vụ án này là nghiêm minh, công bằng, đúng luật.
Cuối cùng, Vũng Tàu nói riêng và toàn quốc nói chung cần sớm kiện toàn Hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ như Luật Trẻ em 2016 đã quy định, ưu tiên vào cấp độ Phòng ngừa.
Tuyên truyền giáo dục và hỗ trợ kỹ năng cho gia đình và cộng đồng, phát hiện và ngăn chặn sớm các nguyên nhân, không để cho tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em xảy ra. Muốn vậy, Nhà nước và các địa phương cần đầu tư nâng cao kiến thức, kỹ năng BVTE cho mạng lưới đội ngũ cán bộ công tác xã hội và công tác bảo vệ trẻ em.