Dân Việt

Câu hỏi lớn về trách nhiệm của Bộ Tài chính

02/12/2011 07:11 GMT+7
(Dân Việt) - Thông tin về khoản lãi “khủng” của Petrolimex trong kinh doanh xăng dầu năm 2009 lên tới 2.660 tỷ đồng đang gây bất bình, bởi nếu đúng như vậy thì tiền của người tiêu dùng đang “vỗ béo” doanh nghiệp.

Bộ Công Thương bị “cho ra rìa”?

Theo công bố của cơ quan kiểm toán Deloitte, kinh doanh xăng dầu của Petrolimex năm 2009 lãi 2.660 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 557 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 3.217 tỷ đồng. Thế nhưng, cũng trong năm này số lần điều chỉnh giá xăng dầu lên tới mức kỷ lục là 11. Trong đó chỉ có 2 lần giảm nhưng có tới 9 lần tăng, với mức tăng giá tổng cộng gần 50% khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá từ 11.500 đồng/lít lên 16.500 đồng/lít.

img
Phải chăng người tiêu dùng đã phải chịu giá xăng cao đến mức vô lý trong thời gian qua?

Những con số thống kê này đã gây chấn động và cả bức xúc trong dư luận, trong bối cảnh những thông tin thanh tra về các khoản chi cấu thành giá, lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong từng thời điểm vẫn chưa được hé lộ.

Trao đổi với NTNN về vấn đề này, một lãnh đạo của Bộ Công Thương (yêu cầu giấu tên) cho rằng: Trước các quyết định tăng giá, Bộ Tài chính đều nắm rõ việc kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp thời điểm đó ra sao. Bộ Công Thương chỉ chịu trách nhiệm trong khâu lưu thông và phân phối xăng dầu đảm bảo xăng dầu tới tay người tiêu dùng không bị gián đoạn, gian lận, mất cân đối cung-cầu.

Chưa kể, năm nào Bộ Tài chính cũng thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu. Còn tại sao lại xảy ra việc doanh nghiệp lãi lớn mà vẫn có 9 lần tăng giá thì là nhiệm vụ của Bộ Tài chính phải làm rõ.

“Trước đây, mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu, Bộ Công Thương đều không được tham gia bàn thảo. Chỉ đến ngày 28.11 vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp giữ giá xăng dầu thì Bộ Công Thương mới thực sự được tham gia ý kiến.

Chính vì những bất cập này, mà thực tế đã xảy ra tình trạng, lúc Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho giảm giá xăng dầu thì Bộ này không giảm, lúc Bộ Công Thương đề nghị tăng giá xăng dầu thì Bộ Tài chính lại giảm giá khiến dư luận khó hiểu và hai bộ đã có lúc có những ý kiến không đồng nhất” - vị lãnh đạo này cho biết.

Cách điều hành sai

Ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng, việc lấy giá dầu thô để "soát xét" việc kinh doanh xăng dầu (thành phẩm) đã tạo dư luận không đúng, tác động đến các nhà quản lý, dẫn tới việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường đã bị "phá sản". Cũng do cách điều hành này mà các DN xăng dầu liên tục lỗ từ năm 2006 đến nay, trừ năm 2009 có lãi do được điều chỉnh giá 11 lần.

Phân tích với NTNN, ông Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện Khoa học giá cả (Bộ Tài chính) cho hay: Năm 2009, các doanh nghiệp đã tự tính toán, kiến nghị tăng giá xăng dầu nhiều lần gửi các cơ quan thẩm quyền Nhà nước quyết định. Trong khi đó, cơ quan Nhà nước chỉ có mỗi việc là "thông qua". Bản thân cơ quan Nhà nước cũng không đủ năng lực, thời gian mà thẩm định, xem kỹ xem doanh nghiệp kiến nghị thế đúng chưa. Do vậy, doanh nghiệp kiến nghị tăng giá bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, cho tăng bấy nhiêu...

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng vừa qua lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định trong 20 ngày sẽ thực hiện thanh tra 4 tổng công ty xăng dầu lớn về chuyện lỗ lãi để công bố trước dư luận. Tuy nhiên đến nay đã hơn hai tháng, Bộ Tài chính vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trong diễn biến liên quan, chiều 1.12, trả lời báo chí vì sao giá xăng dầu nhập khẩu giảm mà giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai lý giải: Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới đã có biến động giảm nhưng tính theo giá bình quân 30 ngày (từ 27.10 - 25.11), giá cơ sở mặt hàng xăng đã có lợi nhuận vẫn thấp hơn giá hiện hành là 288 đồng/lít. Còn giá cơ sở các mặt hàng dầu (diezel, dầu hỏa, mazut) cao hơn giá hiện hành từ 1.204 - 1.334 đồng/lít.

Chính vì vậy, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã cân nhắc và quyết định cho sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng dầu để giảm mức lỗ với mặt hàng dầu. Còn với mức chênh 288 đồng/lít xăng, nếu có giảm giá xăng thì mức giảm không đáng kể nên vẫn giữ nguyên để lấy mức tăng này trích đưa vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu do hiện nay tồn quỹ không nhiều.