Dân Việt

Trần lãi suất huy động: Rối bời hạ hay không hạ

02/12/2011 13:48 GMT+7
(Dân Việt) - Một ngày sau khi tin đồn hạ trần lãi suất xuống còn 12% rộ lên trong hệ thống các ngân hàng thương mại, phía Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái gì để phủ nhận hay đưa ra xác nhận nào.

Trong khi chờ đợi một thông tin chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) không khỏi hoang mang bởi trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” huy động vốn cuối năm thì đây như là một thông tin khiến nỗ lực tìm kiếm “đầu vào” của họ thêm phần khó khăn, thử thách.

img
Doanh nghiệp và người dân đều đang mong chờ lãi suất cho vay giảm sau hơn 1 năm đứng ở mức quá cao (ảnh minh họa).

Người mừng…

Xu hướng hạ lãi suất huy động để làm cơ sở hạ lãi suất cho vay thời gian tới được chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định tại phiên chất vấn của Quốc hội cuối tuần trước. Cơ sở để Thống đốc đưa ra khẳng định này dựa trên lý do lạm phát tháng 11 đã giảm dưới 1% nên hoàn toàn có thể hạ lãi suất thêm nữa.

Đón nhận thông tin này, cộng đồng doanh nghiệp có phần giảm bớt sự lo âu và thêm kỳ vọng bởi lãi suất quá cao đã kéo dài suốt gần 1 năm qua khiến cho sản xuất bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp không chịu được “nhiệt” đã phải đóng cửa và phá sản.

Nhưng, theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu - Ủy viên HĐQT NHTM An Bình: “Chưa thể khẳng định giảm lãi suất huy động thì lãi cho vay cũng sẽ thấp đi. Hai chỉ số này có mối quan hệ liên đới chứ không thông nhau.

Trong khi đó, động thái đầu tiên mà người dân làm sẽ là nhanh chóng rút tiền khỏi ngân hàng và đổ vào kênh đầu tư khác. Người ta nhận thấy rằng 12% tính ra chỉ mới bằng 2/3 chỉ số lạm phát (chiếu theo dự báo của Bộ KHĐT là 18%). Gửi tiền vào nhà băng là thiệt thòi trăm bề”.

Theo ông Hiếu, các NHTM có thể hạ lãi suất trên nguyên tắc chỉ tiêu lạm phát giảm. Khi chỉ số lạm phát giảm xuống còn 10% thì thông tin hạ lãi suất còn 12% có thể làm được,vì lúc đó lãi suất thực dương 2%. Nhưng hiện nay, lạm phát Việt Nam do các tổ chức quốc tế dự báo là 19,7% vậy thì đưa lãi suất về 12% sẽ là điều không hợp lý.

Ông Hiếu so sánh: “Lạm phát là quả trứng, còn lãi suất đầu vào là con gà. Không thể để xảy ra nguyên lý ngược: Con gà đi trước, quả trứng theo sau”.

… kẻ lo

Phản ứng trước khả năng có thể hạ trần lãi suất huy động trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo một NHTM lớn tại Hà Nội cho rằng: Thời điểm này mà NHNN “ép” hạ trần lãi suất huy động xuống còn 12% là “giết” các NHTM.

Vị lãnh đạo này giải thích: “Chưa năm nào cuộc chiến huy động vốn của các NHTM lại quyết liệt như năm nay. Trong bối cảnh lạm phát từ nay đến cuối năm trên 18% thì hạ lãi suất xuống còn 12% ai sẽ lựa chọn gửi tiền vào Ngân hàng nữa”.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Đẩy lãi suất xuống còn 12% càng khiến cho ngân hàng nhỏ gặp khó. Hiện nay, lãi suất trên thị trường mở 2 (thị trường liên ngân hàng) đang rất cao lên tới 30%, điều này chứng minh rằng việc huy động vốn từ thị trường 1 rất khó. Nếu ép lãi suất huy động về 12% thì lãi suất trên thị trường 2 còn cao nữa, làm nảy sinh nhiều bất cập.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế Tài chính): Vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay là nợ xấu gia tăng và tính thanh khoản thấp nên thời điểm này NHNN cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản.

Với mục tiêu hạ trần lãi suất huy động như lời Thống đốc khẳng định gần đây, không thể nói việc hạ trần lãi suất huy động không ảnh hưởng gì tới thanh khoản của những ngân hàng này, nếu không nói là nhiều khả năng sẽ kéo theo một số ngân hàng khác rơi vào tình trạng giảm sút thanh khoản do người dân vì giảm sút lòng tin mà không gửi tiền vào NH nữa.

Mới đây, NHNN đã công bố số NHTM yếu kém, hoạt động không lành mạnh hiện nay trước lộ trình chuẩn bị tái cấu trúc rơi vào khoảng 8/37 (chiếm gần 5%). Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại nếu sắp tới chủ trương hạ trần lãi suất huy động thành hiện thực thì không biết sẽ có thêm bao nhiêu NH nữa được bổ sung thêm vào danh sách 8 NH trên.