Dân Việt

Mải mê chạy theo "bão giá", người trồng tiêu Lâm Đồng "dính đòn"

Hoàng Hạnh 14/05/2018 15:30 GMT+7
Ông Trần Công Phương, ngụ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, thời điểm hồ tiêu được giá 3-4 năm trước, gia đình ông đã quyết định phá bỏ 1ha cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, đến khi hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch cũng là thời điểm giá hồ tiêu xuống rất nhanh. Hiện hồ tiêu có giá trên 60.000 đồng/kg, vẫn cao hơn cà phê nhưng chí phí đầu tư, chăm sóc tốn kém hơn cà phê rất nhiều. Bên cạnh đó, năng suất hồ tiêu không thể cao bằng cà phê nên lời lãi thực tế không được bao nhiêu, thậm chí là lỗ trong khi lại mất thêm mấy năm không thu hoạch được gì vì hồ tiêu còn nhỏ.

img

Người trồng hồ tiêu Lâm Đồng lo lắng vì giá xuống thấp trong thời gian dài.

“Đất ở Ninh Gia nhiều đá, nền nhiệt độ 20 tới 28 độ thích hợp trồng cây hồ tiêu và ít bị dịch bệnh. Giờ giá xuống thấp cũng khó khăn hơn nhưng nếu không trồng tiêu tôi cũng không biết trồng cây gì ngoài cây chuối, cà phê, giá cả cũng phập phù không kém”, ông Phương nói.

Tương tự, ông Trần Hữu Danh (xã Ninh Gia) hiện có 10.000m2 đất trồng hồ tiêu tương đương với 1.000 trụ tiêu. Với giá tiêu mấy tháng qua dao động ở mức hơn 60.000 đồng/kg, ông Danh tính toán sau khi trừ các chi phí như công chăm sóc, thuê người hái, phân bón, thuốc… thì chẳng còn được bao nhiêu.

“Giá thấp hơn nhiều so với các năm trước nên gần như các gia đình trồng nhiều tiêu đều chọn không mở rộng diện tích thời điểm này. Nhà nào cũng cố gắng chăm sóc số lượng tiêu hiện có và chờ giá tăng trở lại”, ông Danh cho biết.

Tại vườn tiêu rộng 3ha (gồm 2,5 ha trồng xen cà phê và 5 sào tiêu trồng thuần) của gia đình ông Nguyễn Văn Chu, thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) những tháng qua ít được gia chủ chăm sóc như trước. Giá hồ tiêu xuống quá thấp trong thời gian dài khiến gia đình ông Chu chẳng còn mặn mà. Gia đình ông Chu vẫn đang chọn giải pháp “cầm cự”, tức không phá bỏ tiêu mà cố gắng duy trì để chờ giá lên.

Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo nông dân cần tạm ngưng trồng mới để tập trung chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có theo hướng áp dụng kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời trên cơ sở đó người dân cần lồng ghép với các chương trình phát triển cây trồng khác theo hướng sản xuất bền vững, hiệu quả".