Tiêm kích thế hệ 5 Chengdu J-20 là một chương trình vũ khí đầy tham vọng của Trung Quốc, mục đích thiết kế chiếc tiêm kích này dĩ nhiên không nhằm mục đích nào khác ngoài xóa nhòa khoảng cách phát triển với Không lực Hoa Kỳ.
Mặc dù còn tồn tại một số nghi ngờ về tính năng kỹ chiến thuật nhưng vẫn phải ghi nhận rằng Dự án J-20 của Bắc Kinh là một mẫu mực về sự nghiêm túc và quyết tâm của quân đội nước này, rất đáng để các quốc gia khác phải học tập.
Điều khiến J-20 trở nên đặc biệt hơn cả đó là nó đã được Không quân Trung Quốc chấp nhận đưa vào biên chế và đã tham gia hoạt động huấn luyện tác chiến, như vậy tuy rằng đi sau nhưng hiện tại Bắc Kinh đã vượt trước nga trong cuộc đua tiêm kích tàng hình.
Tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc bắn rocket trong cuộc diễn tập bắn đạn thật
Như một động thái "khoe cơ bắp" nhằm chứng tỏ năng lực quốc phòng trước Đài Loan, Mỹ cũng như một số đối thủ tiềm tàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Quân đội Trung Quốc vừa công bố hình ảnh J-20 lần đầu tiên diễn tập bắn đạn thật.
Nhưng có một điều gây thất vọng cho giới quan sát đó là chiếc J-20 chỉ sử dụng rocket không điều khiển chứ chưa triển khai các loại tên lửa dẫn đường tối tân. Hơn nữa chiếc J-20 lại triển khai vũ khí ở điểm treo ngoài mà không cho thấy khoang vũ khí.
Cần lưu ý thêm rằng cách đây ít lâu, chính Trung Quốc đã có bài báo chê bai chiếc Su-57 của Nga chưa thực hiện được nhuần nhuyễn thao tác mở khoang vũ khí khi đang hoạt động trên không, đồng thời cho biết J-20 đã làm tốt thao tác này.
Chính vì vậy mà thông qua bức ảnh trên, giới quân sự Nga có lẽ đang cười thầm và chuẩn bị những bài đáp trả về tính năng của chiếc J-20 Trung Quốc.
Tuy rằng đã vào biên chế nhưng chiếc J-20 vẫn còn phải hoàn thiện thêm nhiều
Một điểm yếu khác của chiếc J-20 cũng được "phát lộ" qua bức ảnh đang phóng rocket đó là nó vẫn sử dụng động cơ dành cho tiêm kích thế hệ 4, có vẻ như là loại WS-10.
Động cơ này chưa có các đường cắt răng cưa ở ống xả - đặc trưng của tiêm kích thế hệ 5 giúp máy bay che giấu tín hiệu hồng ngoại cũng như gia tăng hiệu suất khiến chiếc chiến đấu cơ có thể bay hành trình siêu âm mà không cần bật tăng lực.
Như vậy có thể thấy Trung Quốc đã vô tình tự bắn vào chân mình khi lỡ cho chiếc J-20 khoe cơ bắp quá đà, lúc mà nó vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ tính năng. Có lẽ trong lúc này người Nga và cả người Mỹ đang cười thầm khi Bắc Kinh vội vã tuyên bố đưa vào biên chế chiếc chiến đấu cơ còn dang dở.