Dân Việt

Bán tiêu với giá "siêu cao" nhờ cách làm riêng độc đáo

Lê Kiến 15/05/2018 19:10 GMT+7
Sau nhiều năm “thai nghén”, khởi phát từ mô hình Hội trồng tiêu xã Nam Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai), mới đây người trồng tiêu ở xã này phấn khởi đón nhận sự ra mắt của Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững. Mục tiêu của tổ là hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Nông dân liên kết với… nông dân

Thời gian qua, thực trạng cây hồ tiêu chết trắng và giá tụt dốc không phanh (có thời điểm giảm xuống 50.000-60.000 đồng/kg) khiến hàng nghìn hộ nông dân điêu đứng. Thậm chí, không ít người đã quay lưng với tiêu, chuyển sang cây trồng mới.

Trái ngược với điều này, hàng chục hộ dân ở xã Nam Yang lại đang háo hức chờ đợi một tương lai tươi sáng từ mô hình mới: Nông tự liên kết với nhau thành lập tổ sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ bền vững, giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

img

Vườn tiêu áp dụng mô hình mới của anh Ngô Văn Tiên (bên trái). Ảnh: L.K

Chị Nguyễn Thị Sương – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang cho biết: Với mô hình trên, bà con tự sản xuất theo hướng tiêu sạch, tự tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào lẫn đầu ra, do đó giá thành đầu tư thấp và giá trị sản phẩm tăng lên. Nếu thuận lợi, người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn, ít bị ảnh hưởng do tác động về giá cả thị trường.

Anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang chia sẻ: Hoạt động của tổ là liên kết bà con nông dân với nhau, cùng chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay trong quá trình chăm sóc cây theo hướng hữu cơ bền vững.

Theo đó, nông dân tự liên kết với doanh nghiệp cung ứng về kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh để có giá thành đầu vào ở mức thấp nhất. Tương tự, đầu ra cũng do nông dân lựa chọn đối tác để bán với mức giá cao nhất cho sản phẩm sạch, loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết.

Theo anh Tiên: “Tự nông dân nói với người nông dân thì mới dễ tiếp cận hơn và minh chứng cho lời nói là cách làm hay, hiệu quả cụ thể thì dân mới tin”. Anh Tiên tự hào vì sản phẩm hồ tiêu của anh được công nhận là “sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean”.

Vì thế, trong khi hồ tiêu của nông dân khác bán ra thị trường chỉ 50.000-60.000 đồng/kg, thì sản phẩm của anh vẫn bán được 100.000 đồng/kg. Hiện, gần 15.000 trụ tiêu của anh được chuyển đổi từ cách sản xuất truyền thống sang theo hướng hữu cơ bền vững, hạn chế tối đa phân và thuốc BVTV hóa học.

“Doanh nghiệp mong muốn thu mua sản phẩm có chất lượng và đảm bảo về số lượng, chính vì vậy từ nhiều năm nay tôi luôn ấp ủ ý tưởng liên kết nông dân với nhau, làm ra sản phẩm tốt nhất, bán được giá cao nhất. Ngày mới thành lập, tổ đã có 52 thành viên và để có ngày hôm nay, chúng tôi đã tổ chức 4 lần hội thảo lấy ý kiến” - anh Tiên chia sẻ.

Theo anh Tiên, muốn thay đổi từ cách làm truyền thống  sang làm theo hướng công nghệ cao, sản xuất sạch không phải nói là làm được “mà phải thực hiện từ từ”. Có thể nói đây là cuộc cách mạng thay đổi tư duy, nếu thành công thì người nông dân sẽ đứng ở thế chủ động, ít phụ thuộc bởi các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả, giá thành đầu vào và các rủi ro khác.

Nông dân Trần Ngọc Mẫn (thôn 5, xã Nam Yang) bày tỏ: “Đã đến lúc nông dân cần phải bắt tay nhau xây dựng mối liên kết trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và có đầu ra ổn định chứ không bấp bênh như trong thời gian qua”.

Tự tìm hướng đi bền vững

img

Về mô hình Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững ở Nam Yang, ông Nguyễn Cường Quốc – chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Đăk Đoa cho rằng: “Đây là cách làm mới, là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành lập tổ liên kết nông dân với nông dân để tìm hướng đi cho mình. Hiện, nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính, khắt khe trong việc thu mua sản phẩm nên việc thành lập tổ sản xuất hồ tiêu sạch là hướng đi đúng đắn. Trước mắt, sẽ giảm các chi phí đầu vào, sau đó sẽ tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến sản xuất bền vững”.

Theo anh Ngô Văn Tiên, cùng một sản phẩm nhưng nhiều nơi trong nước hoặc so sánh với sản phẩm của nước ngoài vẫn có sự chênh lệch rất lớn, và mấu chốt là ở cách làm ra sản phẩm. Muốn làm ra sản phẩm sạch, bán được giá cao, cần có sự bắt tay của tập thể.

Cùng chí hướng thành lập tổ liên kết, anh Trần Quang Sơn (thôn 1) cho hay: “Không chỉ sản phẩm của anh Tiên bán được giá cao, mà anh cũng có cách làm riêng nên bán được tiêu với giá siêu cao. Theo đó, nếu qua công đoạn sơ chế, phơi sấy tỉ mỉ, đóng gói thì bán được giá từ 200.000-500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bản thân người sản xuất sẽ phải bỏ ra không ít công phu.

“Tôi tự sáng tạo ra máy máy sấy hồ tiêu nên sản phẩm sau khi được xử lý thì chất lượng, màu sắc, mùi vị của hạt tiêu tăng lên nhiều lần. Hiện, các thành viên của tổ cũng đã áp dụng cách làm này” - anh Sơn nói.

Theo anh Ngô Văn Tiên, hiện tổ đã liên hệ được với 2 doanh nghiệp cung ứng phân bón cam kết bán phân bón chất lượng, không qua trung gian. Còn đầu ra, Tổ cũng đã liên hệ một số đơn vị ở TP.HCM và nhận được cam kết sẽ thu mua với giá cao nếu sản phẩm đủ số lượng và chất lượng đảm bảo.