Binh sĩ Israel luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
“Lò lửa” Trung Đông đang ngày một nóng hơn khi căng thẳng ở khu vực đang gia tăng bằng các quả tên lửa chứ không phải chỉ là lời qua tiếng lại. Loạt bài sau phân tích những khía cạnh tiềm tàng của cuộc chiến được đánh giá là có hậu quả rất tàn khốc nếu xảy ra. |
“Sứ giả thần chết” Delilah
Đêm ngày 9.5, Israel nã tên lửa hành trình “Sứ giả thần chết” Delilah vào các mục tiêu của Syria ở gần thủ đô Damascus. Đây là cuộc tấn công quy mô nhất của chính quyền Tel Aviv vào lãnh thổ Syria từ cao nguyên Golan.
Tên lửa Delilah được thiết kế với khả năng diệt mục tiêu với sai số chỉ 1 mét. Nó có tầm bắn chính xác nhất của quân đội Israel ở thời điểm hiện tại. Tên lửa Delilah sử dụng đầu đạn 30 kg nhưng có thể bắn phá các mục tiêu từ cách xa 250 km. Điểm đặc biệt của tên lửa Delilah so với các tên lửa khác là nó có khả năng “giám sát khu vực” trước khi bắn hạ mục tiêu. Các tên lửa khác thường phải khóa mục tiêu trước khi khai hỏa.
Điều này giúp tên lửa Delilah có thể lượn lờ trên khu vực bị oanh tạc để tìm mục tiêu quan trọng nhất rồi bắn phá. Nhờ động cơ phản lực, tên lửa Delilah có thể bay trên trời trong thời gian khá lâu trước khi khai hỏa.
Mục tiêu của tên lửa Delilah cũng rất đa dạng, từ trên mặt đất tới tàu mặt nước. Tên lửa này sử dụng cảm biến hồng ngoại và hình ảnh, cho phép diệt chính xác các mục tiêu đất liền hoặc trên biển. Hiện nay, nhiều chiến đấu cơ và tàu mặt nước được trang bị tên lửa Delilah.
Tăng chủ lực Merkava
Tăng chủ lực Merkava IV của Israel được gọi là “Kẻ phá gió”. Thân xe sử dụng sợi thủy tinh có khả năng chịu đạn xuyên tốt hơn so với hợp kim thép.
Merkava IV trang bị hệ thống phòng vệ chủ động APS Trophy giúp nó chống lại các nguy cơ từ vũ khí diệt tăng hiện đại. Hệ thống này gồm 4 cảm biến gắn quanh tháp pháo với khả năng bao quát toàn bộ khu vực xung quanh.
Hệ thống phòng vệ chủ động Trophy giúp chặn tên lửa chống tăng, súng phóng lựu chống tăng. Hệ thống này từng giúp đánh chặn thành công một tên lửa chống tăng tấn công Merkava IV năm 2011.
Theo trang War Vehicle, nhờ hệ thống phòng vệ APS Trophy và giáp chắc chắn, Merkava IV được đánh giá là xe tăng được bảo vệ tốt nhất thế giới. Một số chuyên gia quốc tế so sánh xe tăng của Israel này với loại tăng chủ lực T-90 của Nga.
Merkava IV sử dụng pháo nòng trơn 120 mm, có thể bắn tên lửa Lahat tầm xa 8 km. Xe tăng được trang bị súng máy đồng trục 7,62 mm, cối 60 mm và đại liên 12,7 mm. Merkava IV có tốc độ tối đa 65 km/giờ, hoạt động trong phạm vi 500 km.
Pháo tự hành ATMOS 2000 Howitzer
Pháo tự hành ATMOS 2000 là loại pháo bánh lốp 6x6, kết hợp hệ thống ổn định tiên tiến và khoang lái bọc thép. Đây là mẫu pháo do quân đội Israel chủ động nghiên cứu, chế tạo và được đánh giá là ưu việt nhất thế giới hiện nay. Nó có khả năng cơ động, hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động và tốc độ bắn rất nhanh. Chỉ với kíp lái 4 người, pháo tự hành ATMOS 2000 có thể bắn 9 viên/phút.
Pháo tự hành ATMOS 2000 sử dụng pháo cỡ nòng 155 mm, đặt trên xe pháo kéo ATHOS 2052. Tổng trọng lượng pháo tự hành ATMOS 2000 là 22 tấn, có thể đặt trên vận tải cơ C-130. Tầm bắn của pháo tự hành lên tới 41 km.
Sau khi vào vị trí bắn, 2 chân chống thủy lực sẽ hạ xuống, các thông số về mục tiêu sẽ được nạp vào hệ thống kiểm soát hỏa lực vi tính hóa (AFCS), bao gồm thiết bị định vị và máy tính đường đạn lắp kèm với pháo. Hệ thống AFCS sẽ hiển thị thông tin chi tiết về mục tiêu, lựa chọn góc bắn và điều chỉnh pháo bằng cơ cấu thủy lực, hoặc có thể vận hành bằng tay khi cần thiết.
Xe pháo chở pháo tự hành có thể di chuyển với tốc độ tối đa 80 km/giờ, tầm hoạt động 1.000 km. Xe được thiết kế hoạt động trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, có thể vượt rào cản cao 0,4 mét và hào rộng 0,6 mét.
Máy bay F-15I Ra’am
Tiêm kích F-15I Ra'am là phiên bản tất công mặt đất của F-15E dành riêng cho thị trường Israel. Máy bay này được gắn thêm thiết bị nhìn đêm để tấn công các mục tiêu trong đêm tối. Điểm khác biệt duy nhất của F-15I và F-15E là không có hệ thống radar gắn sẵn.
F-15 là mẫu máy bay tiêm kích tấn công do Mỹ sản xuất và phiên bản F-15I được nghiên cứu và chế tạo dành riêng cho thị trường Israel. Nó có ưu thế trên không vì từng được sử dụng rất thành công trong chiến dịch Bão táp Sa mạc.
Các hệ thống tiên tiến của Ra'am bao gồm radar APG-70 với khả năng lập bản đồ địa hình. Hình ảnh rõ nét do APG-70 cung cấp, bất chấp điều kiện địa hình và thời tiết, cho phép phát hiện mục tiêu những đối tượng khó tìm - như các đơn vị tên lửa, xe tăng và lô cốt - ngay cả trong những điều kiện bất lợi như sương mù, mưa to hay đêm không trăng.
Tên lửa Arrow 3 ABM
Tên lửa Arrow 3 được nghiên cứu phát triển bởi tập đoàn công nghiệp Israel và tập đoàn Boeing của Mỹ. Đây là lá chắn tên lửa đầu tiên trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Israel. Lớp cuối cùng của hệ thống này là “Iron Dome – Vòm sắt” với khả năng đánh chặn gần như tuyệt đối.
Arrow 3 được nghiên cứu phát triển từ năm 2008 và có khả năng đặc biệt là chống các vệ tinh quân sự. Do đó, tên lửa này hầu như “tàng hình” trước hệ thống vệ tinh quân sự của đối phương. Tên lửa Arrow 3 sử dụng hệ thống cảnh báo sớm EL/M-2090 Green Pine có khả năng quét mảng pha điện tử chủ động.
Radar này có thể phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng gôn ở khoảng cách 500 km. Ngoài ra, nó sử dụng hệ thống quản lý chiến đấu Tree Citron và trung tâm kiểm soát khởi động Brown Hazelnut. Mỗi bệ phóng tên lửa Arrow 3 có thể bắn ra 6 quả. Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố đây là loại tên lửa có thể bắn hạ mọi tên lửa tầm xa của Iran.
Hai “ông lớn” trong khu vực đều sở hữu sức mạnh quân sự đáng gờm.