Thời gian này, nhiều hộ dân ở ấp Thái Hòa (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) phải sống trong bất an vì những căn nhà bị rạn nứt do sạt lở đất.
Một người dân cho biết, mùa mưa năm 2017, nước từ cống bên quốc lộ 1 đổ ra làm xói lở nghiêm trọng phần đất bên đường. Tại đây, hàng chục mét khối đất đã đổ ập xuống suối, cuốn theo nhiều cây cối, nhà cửa.
Một căn nhà bị đổ sập hoàn toàn. Ảnh: Hoàng Anh.
Phần sạt lở tiếp tục ăn sâu, uy hiếp trực tiếp đến chân móng của những căn nhà cao tầng còn lại. Anh Trường - hộ dân bị ảnh hưởng nói: “Một căn nhà đã bị kéo sập hoàn toàn. Nhà tôi xuất hiện những vết nứt kéo dài từ chân móng đến gần sát mái. Nền gạch phía dưới cũng có vết nứt ngang, cắt căn nhà thành 2 phần, trông rất ghê”.
Theo anh Trường, mùa mưa năm 2017, các vết nứt kéo dài những kẽ hở nhỏ. Đến nay, những vết nứt này hở to, có đoạn rộng khoảng 9cm. “Tôi bỏ trống phần sau căn nhà. Mỗi lúc trời đổ mưa, tôi lại phải đi nơi khác vì lo nhà sập”, anh Trường cho biết.
Kế gia đình anh Trường là căn nhà 4 tầng của ông Bùi Văn Tú cũng có những vết nứt kéo dài. Nhà ông Tú nằm sát miệng cống thoát nước, nơi này phần đất chân móng bị xói lở gần hết nên ông phải dùng bạt nhựa để gia cố, cầm cự.
Vết nứt rộng 9cm trong căn nhà của anh Trường. Ảnh: Hoàng Anh.
“Sống trong nhà nhưng lúc nào cũng sợ hãi. Trời đổ mưa lớn, nước tuồn về nhiều thì xói lở càng nghiêm trọng. Bây giờ đất cứ xói dần, xói dần vào chân tường. Nhà nứt, nhà nghiêng hết rồi, không có cách nào giữ được!”, ông Tú phản ánh.
Theo người dân, tình trạng sạt lở diễn ra từ mùa mưa năm ngoái (tháng 10.2017) làm 1 căn nhà đổ sập hoàn toàn, gần 5 căn khác bị vỡ nứt. Sau vụ việc, nhiều người trình báo lên các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương để cầu cứu nhưng đến nay, khu vực hiện trường vẫn chưa được khắc phục.
“Tôi thấy họ đến kiểm tra rồi để đó, không thấy sửa chữa gì. Mùa mưa tiếp theo đến rồi, nếu không khắc phục thì mấy căn nhà sẽ sập hết”, một người dân bức xúc.
Liên quan vụ việc, lãnh đạo huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, cuối năm 2017, huyện này đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai và Chi cục Quản lý đường bộ 4.2 (thuộc Cục Quản lý đường bộ 4) trực tiếp đến kiểm tra, tìm giải pháp khắc phục sạt lở. Sau khi đo đạc, xác định khu vực sạt lở không thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Quản lý đường bộ 4.2 nên tỉnh Đồng Nai giao UBND huyện Trảng Bom lập dự án chống sạt lở.
Người dân dùng bạt che chắn phần chân móng sau nhà cao tầng để hạn chế tình trạng sạt lở đất. Ảnh: Hoàng Anh.
Theo lãnh đạo huyện Trảng Bom, huyện này đã hoàn thiện hồ sơ dự án và trình Sở GTVT Đồng Nai. Khi hồ sơ được phê duyệt, chính quyền sẽ thực hiện dự án vào cuối tháng 5.2018. Theo kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ xây dựng 15 bậc dẫn nước hạ dần theo độ cao và lắp đặt 50m cống thoát dẫn nước ra khỏi khu vực khu dân cư với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.
Hiện mùa mưa đã đến trong khi dự án chưa được triển khai nên nhiều hộ dân vẫn phải sống trong sợ hãi. Trước thực trạng này, huyện Trảng Bom đã khuyến cáo người dân trong khu vực sạt lở không sinh hoạt ở nhà có nguy cơ sập, sử dụng cột chống đỡ nhà để đảm bảo an toàn.