Theo đó, Supe Lâm Thao đã xây dựng được hệ thống các nhà phân phối sản phẩm khu vực trên toàn quốc, từ đó nông dân có thể mua phân bón Lâm Thao thuận tiện nhất, tiết kiệm chi phí cao nhất. Mỗi năm công ty đều tổ chức hàng nghìn hội nghị, mô hình trình diễn cho hàng trăm nghìn lượt nông dân, qua đó hướng dẫn bà con cách bón phân khoa học, hiệu quả, cách phân biệt phân thật - phân giả, phân bón kém chất lượng.
Mô hình trình diễn bón phân Lâm Thao khép kín trên cây chuối. Ảnh: T.L
Để phát triển thương hiệu bền vững, công ty đã tiến hành bảo hộ nhãn hiệu với logo là 3 nhành cọ xanh, bên dưới có chữ Lâm Thao tại Cục Sở hữu trí tuệ. Công ty cũng thay đổi bao bì sản phẩm đối với các loại phân NPK-S bón thúc, từ bao tráng màng PP sang bao OPP để tăng độ bền, hình thức đẹp và khó làm giả.
Thực hiện dán tem chống hàng giả điện tử (SMS) đối với các sản phẩm phân NPK-S bón thúc, phân bón NPK hàm lượng cao của dây chuyền sản xuất NPK số 4; dán tem chống hàng giả đối với sản phẩm phân lân nung chảy Lâm Thao.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng phòng Kinh doanh Supe Lâm Thao cho biết: Đối với sản phẩm Supe Lâm Thao, từ lâu không có hàng giả, nhưng lại phát sinh nhiều loại hàng nhái, có bao bì mẫu mã, logo gần giống với sản phẩm phân bón của Lâm Thao. Đặc biệt với sản phẩm phân NPK, tình trạng làm nhái, hoặc ghi thành phần phân bón không rõ ràng, “mập mờ” xuất hiện rất phổ biến. Ví dụ tỷ lệ thành phần chuẩn là 5-10-3, nhưng các cơ sở làm nhái lại ghi là 5-1.0… nhằm đánh lừa người nông dân.
Giải pháp của Lâm Thao nhằm xử lý vấn đề này, chủ yếu tại các hội nghị, hội thảo trực tiếp với dân, cán bộ của công ty thường đưa 2 vỏ bao bì ra để so sánh cho người dân dễ phân biệt, nhận biết. “Cách tốt nhất để tránh mua phải phân bón giả, nhái, kém chất lượng là bà con nên mua phân bón ở những đại lý, cơ sở uy tín, xem kỹ mẫu mã, bao bì” – ông Hùng nói.