“Muốn dự án nhanh, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nên linh hoạt”
Chiều 15.5, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài, người ký các văn bản chấp thuận việc góp vốn hình thành liên doanh thực hiện dự án, duyệt giá cho thuê và duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất hai khu đất số 8-12 Lê Duẩn, lý giải:
Khu đất liên quan, Thường trực UBND TP đã có chủ trương làm dự án khách sạn cao cấp và yêu cầu triển khai sớm. Việc giao đất (kết hợp cho thuê đất - PV) khi đó là sự linh hoạt. Nếu giao toàn bộ khu đất thì giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Theo các sở tham mưu và dựa vào đề xuất này, tôi thấy cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm triển khai dự án nên tôi đồng ý hai hình thức giao đất và cho thuê để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Trên giấy tờ thì bốn công ty Bộ Công Thương và Công ty Quản lý nhà TP chiếm 70% vốn sở hữu khi Công ty Lavenue thành lập, 30% còn lại của Công ty Hoa Tháng Năm nên Nhà nước nắm quyền kiểm soát phần vốn của dự án.
Về việc này, thanh tra kết luận (ông Tài và các sở, ngành có dấu hiệu cố ý làm trái trong các quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá - PV) nhưng chưa từng làm việc với tôi để tôi giải trình, tôi cũng chỉ biết thông tin này qua báo chí.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc giao đất với giá 621 tỉ đồng đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách và lẽ ra phải đấu giá, ý kiến ông ra sao?
Ông Nguyễn Thành Tài: Thời điểm 2010-2011 bất động sản đang đóng băng, hoạt động của các công ty liên quan rất khó khăn. Như đã nói, tôi chủ trương linh hoạt để tạo điều kiện cho các công ty này thực hiện dự án. Nhưng tôi không ngờ bốn công ty của Bộ Công Thương lại chuyển nhượng cổ phần cho công ty tư nhân khiến phần sở hữu vốn nhà nước bị thay đổi. Đây là thiếu sót của tôi khi không chỉ đạo thẩm định kỹ và làm rõ khi phê duyệt giao đất. Tôi thực sự không lường trước việc các công ty làm như vậy.
Công ty Hoa Tháng Năm không có kinh nghiệm, không có năng lực tài chính nhưng được duyệt tham gia góp vốn 30%. Còn bốn công ty của Bộ Công Thương sau khi được góp vốn thành lập liên doanh đã chuyển nhượng vốn cho Công ty Kinh Đô. Tại sao có việc này?
Ông Nguyễn Thành Tài: Tôi tin cậy các cơ quan tham mưu nên có thiếu sót khi ký các quyết định. Còn nói tôi có ưu ái tạo điều kiện gì để tư lợi từ các công ty này là không có. Tôi khẳng định điều này, tất cả chỉ vì muốn dự án sớm hoàn thành, vì cái chung sự phát triển của TP.HCM.
Ai trục lợi từ khu đất vàng ở trung tâm quận 1?
Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM thu hồi khu đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) để đấu giá thay vì chỉ định giao, cho thuê đất.
Như đã thông tin, trong quá trình triển khai dự án xây dựng khu khách sạn cao cấp tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn đã có sự tham gia góp vốn, chuyển nhượng của một số doanh nghiệp liên quan. Trong đó, đáng lưu ý là vai trò của bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương là Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí TP, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện TP và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO), trước đó được thuê diện tích đất này làm trụ sở làm việc.
“Khu đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG
Khi biết chủ trương của TP.HCM triển khai dự án tại khu đất trên, bốn công ty này đề nghị được góp 50% vốn liên doanh với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP - đơn vị được UBND TP.HCM giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này, thành lập công ty đầu tư thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 20.8.2010, chưa đầy một tháng sau khi được TP.HCM chấp thuận quyền ưu tiên góp vốn để thành cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue (công ty được lập ra để thực hiện dự án, bốn công ty này đã ký thỏa thuận với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô của đại gia Trần Kim Thành để mỗi đơn vị vay của Công ty Kinh Đô 12,5 tỷ đồng làm vốn góp. Sau đó bốn công ty này sẽ chuyển nhượng phần vốn góp (50% trong Công ty Lavenue) cho Công ty Kinh Đô).
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, qua việc sang nhượng này, bốn công ty này đã hưởng lợi mỗi công ty 50 tỷ đồng (đã trừ khoản vay 12,5 tỷ đồng của Công ty Kinh Đô). Tổng cộng, bốn công ty trên đã thu lời 200 tỷ đồng từ việc “phù phép” xin góp vốn rồi chuyển nhượng lại khi không có năng lực tài chính.
Tiếp theo là sự xuất hiện của Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm. Tháng 8.2010, công ty này đề nghị hợp tác với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đầu tư thực hiện dự án. Trên cơ sở đề xuất của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP, UBND TP chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm được góp 30% trong 50% vốn góp của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP trong Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue. Sau khi Công ty Lavenue được thành lập, bà Lê Thị Thanh Thúy, Giám đốc Công ty Hoa Tháng Năm, được bầu làm chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue.
Trong công văn gửi cơ quan chức năng, Công ty Hoa Tháng Năm báo cáo có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm đó công ty này chưa từng thực hiện dự án nào. Vụ việc cũng đã được đoàn thanh tra TP.HCM lập biên bản xác định. Công ty Hoa Tháng Năm cũng không chứng minh được hồ sơ năng lực tài chính để góp vốn.
80% cổ phần chi phối thuộc tư nhân. Thanh tra TP.HCM tại kết luận vào tháng 8-2013 cho rằng việc UBND TP.HCM giao đất cho liên doanh trên thực chất là bán chỉ định là không đúng quy định. Tại thời điểm lãnh đạo TP.HCM giao đất theo kiểu bán chỉ định cho liên doanh thì bốn công ty thuộc Bộ Công Thương đã sang nhượng cổ phần cho Công ty Kinh Đô. Như vậy, trong liên doanh này có đến 80% cổ phần chi phối từ hai công ty tư nhân: Công ty Kinh Đô (50% do nhận chuyển nhượng từ bốn công ty Bộ Công Thương) và Công ty Hoa Tháng Năm (30%). Cổ phần vốn chủ sở hữu nhà nước chỉ còn 20%. |