Mục tiêu 100.000 ha cây ăn quả
Quay trở lại Sơn La sau 3 năm, chúng tôi giật mình trước vùng đất đổi thay quá nhanh. Một Sơn La với những nương ngô trùng điệp xanh mơn man hút tầm mắt dọc QL6 và 6C đã biến mất. Những sườn đồi với đủ kiểu độ dốc đã khoác lên mình tấm thảm mới, đó là lây ăn quả. Tấm thảm khổng lồ này kéo dài gần 200km, vắt từ Mộc Châu sang Yên Châu, Mai Sơn đến TP Sơn La, rồi từ TP Sơn La vắt qua huyện Sông Mã.
Nếu không giải quyết tốt đầu ra, vựa nhãn lớn nhất miền Bắc có nguy cơ “bội thực”.
Người dân nói, bây giờ chẳng ai gọi Sơn La là thủ phủ ngô nữa. Tỉnh đang ra sức vận động bà con nhổ ngô, sắn để trồng cây ăn quả, đặc biệt là nhãn. Ban đầu, cây nhãn chỉ co cụm ở huyện Sông Mã với khoảng 3.000 ha, sau tạo thành làn sóng lan ra khắp nơi. Dự kiến đến năm 2018, vùng trồng nhãn Sơn La đạt 12.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn quả/năm.
Thế nhưng, đích đến trong phát triển cây nhãn của tỉnh này còn rất xa. Bởi đến năm 2020, Sơn La phấn đấu có hơn 14.000 ha nhãn. Để “dọn đường” cho cây ăn quả băng băng về đích, Tỉnh ủy Sơn La có chủ trương phát triển cây ăn quả, đưa vào mục tiêu cải tạo vườn tạp, thay thế cây trồng rừng đến năm 2025 với cái đích 100.000 ha (gấp đôi hiện tại). Từ đó UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện triển khai.
Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mai Sơn thừa nhận, khoảng 3 năm nay, huyện phát triển cây ăn quả quá ồ ạt, huyện rất đắn đo nhưng đó là chủ trương của tỉnh nên phải cố gắng thực hiện. Bây giờ, người ta không gọi là rừng ngô nữa mà là rừng cây ăn quả.
Năm 2015, diện tích cây quả của Mai Sơn chỉ là 1.580 ha thì đến nay đã đạt khoảng 3.000 ha. Theo kế hoạch tỉnh giao, từ nay đến cuối năm 2018, huyện phải trồng thêm 800 ha nữa, và với đà này thì chắc chắn huyện sẽ vượt. Tại các xã vùng III giáp biên giới, tình trạng chuyển đổi đất rừng sang trồng sơn tra (táo mèo) và cà phê trái phép cũng diễn ra phổ biến.
Ông Thắng cho rằng, để đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020, huyện Mai Sơn phải nâng tổng diện tích cây ăn quả lên 7.000 ha (và đến năm 2015 là 9.000 ha) thì không khó. Bởi quỹ đất nông nghiệp còn nhiều (3.800 ha đất trồng sắn và 18.000 ha đất trồng ngô), có thể chuyển đổi được.
Tuy nhiên, với làn sóng người người, nhà nhà trồng nhãn như hiện nay, chắc giắn giá nhãn sẽ giảm. Nếu không tiêu thụ được thì người dân sẽ gặp khó. Trong khi đó, lịch sử giá nhãn Sơn La đã có thời điểm chạm đáy (chỉ 5.000 đồng/kg vào quãng 2013 – 2014; 7.000 - 8.000 đồng/kg vào 2015), nông dân không có lãi thậm chí lỗ, bởi vì để kiến thiết được một vườn nhãn 1 ha phải mất khoảng 200 triệu đồng trong 3 năm.
Tại địa bàn tỉnh Sơn La, rất nhiều cơ sở ươm - bán cây giống "mọc" lên.
Tính đến hết năm 2017, diện tích nhãn của huyện Mai Sơn đạt 1.117 ha, sản lượng gần 9.000 tấn quả. Con số này chắc chắn vẫn đang đà tăng “phi mã”. Tuy nhiên, đầu ra cho quả nhãn vẫn rất mơ hồ. Bởi tỷ lệ vườn nhãn được ký kết bao tiêu sản phẩm thông qua HTX, DN chỉ như muối bỏ bể. Bà con chủ yếu tự sản tự tiêu.
Tù mù chất lượng giốngTheo chủ trương của tỉnh Sơn La, mỗi huyện xây dựng một vườn cây đầu dòng khoảng 1 ha. Tuy nhiên, hiện nay mới đang giai đoạn kiến thiết. Do thiếu giống nhãn trầm trọng, huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung phải nhập một lượng giống rất lớn từ Hưng Yên.
Vào vai người mua giống, ngày 3/5/2018, chúng tôi tìm đến đại lý giống cây ăn quả Nguyên Hà. Mỗi ngày, cơ sở này cung ứng hàng ngàn cây giống các loại (chủ yếu là xoài, nhãn, bưởi và mận). Người bán hàng cho biết, so với năm 2017, năm nay mỗi cây nhãn giống tăng 10.000 đồng do thị trường đang "sốt” hàng.
Ngoài tiêu thụ trong huyện, đại lý Nguyên Hà còn giao hàng khắp các vùng Sông Mã, Quỳnh Nhai, Vân Hồ… 100% cây nhãn giống ở đây được nhập từ Hưng Yên. Chẳng ai biết chất lượng cây giống tốt, xấu thế nào. Niềm tin duy nhất mà họ có được chính là lời khẳng định của đại lý. Bởi suốt quá trình giao dịch mua – bán với khách hàng, cơ sở này chẳng đưa ra bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
Tiến về tiểu khu 11, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn), chúng tôi tiếp tục tìm đến một số cơ sở kinh doanh giống “chui” nằm dọc QL6, do một số công nhân của Trung tâm Giống cây trồng cạn Sơn La (đóng trên địa bàn huyện Mai Sơn) thành lập ở quy mô nhỏ lẻ để kiếm thêm thu nhập. Việc mua bán thường dựa vào niềm tin, bởi những giống cây trồng đó chưa được ai khảo kiểm nghiệm, chứng nhận.
Biết nhưng không cản đượcGiống như huyện Mai Sơn, tại Yên Châu, ở những vùng đất có độ dốc lên tới 40o – 50o, bà con vẫn huy động máy móc lên san ủi thành các đường băng rồi đào hố trồng cây ăn quả. Điều này khiến ông Phạm Văn Thành, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Châu rất lo ngại.
Bởi theo ông, 90% diện tích trồng cây quả tại Yên Châu phụ thuộc vào nguồn nước trời. Nhiều hộ dân không có điều kiện đầu tư hệ thống tưới hiện đại. Trong khi đó, nhãn là loại cây đòi hỏi kỹ thuật thâm canh rất cao. Nếu trồng nhãn như trồng cây rừng thì năng suất, chất lượng vừa thấp, mẫu mã quả xấu, rất khó bán. Mặc dù đã nhìn thấy trước nguy cơ thất bại của các vườn nhãn trồng trên đồi có độ dốc lớn, nhưng huyện không thể cản được bởi người dân có quyền tự chủ trồng cây gì.
Công tác quản lý chất lượng giống nhãn ở Sơn La còn nhiều bất cập.
Hiện nay, tổng diện cây ăn quả huyện Yên Châu chỉ khoảng 4.600 ha, nhưng theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, huyện phải phấn đấu đạt hơn 12.000 ha. Dường như, huyện cảm thấy nhiệm vụ tỉnh giao quá khó để hoàn thành. Trước “sức ép” trên, UBND huyện đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT kiến nghị điều chỉnh giảm diện tích trồng cây ăn quả, nhất là giảm diện tích nhãn.
Ông Hà Văn Quang, chủ vườn nhãn hơn 1ha ở xã Chiềng Hặc chia sẻ: “Trước đây, trong thôn chỉ có hơn 10 gia đình trồng nhãn. 2 – 3 năm trở lại đây cả làng, cả xã phá ngô để chuyển đổi sang cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài. Người ta trồng cây theo phong trào chứ chẳng có kinh nghiệm gì. Năm nay nhãn cả nước được mùa. Tôi dự tính giá sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2017, xấp xỉ 8 - 10.000 đồng/kg. Như vậy người trồng gần như không có lãi. Tôi rất lo!”.
Đầu ra khá mơ hồTrước sản lượng cây ăn quả lên tới 300.000 tấn, trong đó chỉ riêng sản lượng nhãn là 40.000 tấn, ông Hà Quyết Nghị, GĐ Sở NNPTNT Sơn La, cho biết tỉnh đang dốc sức tổ chức tham gia các sự kiện xúc tiến tương mại để mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản.
Đến nay, mới chỉ có 2 đơn vị tham gia vào khâu chế biến trái cây là Công ty CP Nafoods Tây Bắc (chủ yếu chế biến chanh leo) và Tập đoàn TH (năng lực chế biến khoảng 30.000 tấn/năm). Tuy nhiên, cả 2 nhà máy này đều chưa đi vào hoạt động.
Người đứng đầu ngành NNPTNT tỉnh cũng thừa nhận: Hai năm vừa qua, do Sơn La phát triển nóng diện tích nên không kiểm soát được chất lượng giống cây ăn quả. Tỉnh đã hỗ trợ mỗi huyện xây dựng một vườn ươm 1 ha, đồng thời mở các chợ giống để kiểm soát tại chỗ; tổ chức hội chợ để quảng bá giống tốt, giống phù hợp chứ bà con cứ mua kiểu tù mà tù mù thì không ổn. Bởi yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng sản phẩm chính là giống.
Mặc dù diện tích cây ăn quả ở Mai Sơn khá lớn, nhưng theo đánh giá của ngành NN-PTNT, địa phương này chưa hình thành vùng SX tập trung, mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chủng loại giống không đồng đều, công tác chăm sóc chưa được quan tâm nên chất lượng thấp. Năng suất nhãn tại các vùng có độ dốc lớn chỉ đạt khoảng 7 – 8 tấn/ha. |