Nhiều ý nghĩa với đời sống cộng đồng
Thực tế cho thấy, khi tổ chức các lễ hội, không khí các bản làng thực sự sống động, đồng bào hồ hởi vì được trực tiếp tham gia sáng tạo văn hóa, tham gia các hoạt động văn hóa, đặc biệt là các trò chơi dân gian.
Lễ hội té nước của đồng bào dân tộc Lào (Lai Châu). |
Ông Hoàng Đức Hậu - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL) cho biết: "Ở những vùng dân tộc phục dựng và bảo tồn được lễ hội truyền thống, không có hiện tượng người dân bỏ tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên. Tôn giáo ngoại lai không có điều kiện thâm nhập, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, ý thức đoàn kết cộng đồng được nâng cao".
Tuy nhiên theo ông Hậu, trong xu thế hội nhập, môi trường lễ hội ngày càng thay đổi; hệ thống tín ngưỡng, tâm linh và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc có nhiều biến động.
Ngoài những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc luôn thu hút sự quan tâm và tham gia của đồng bào, tạo được sự chú ý, quan tâm của du khách, vẫn còn nhiều lễ hội sơ sài, đơn điệu, tồn tại nhiều hủ tục không phù hợp, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống cộng đồng. Những nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục của nhiều lễ hội dân gian truyền thống đứng trước nguy cơ bị biến dạng và mai một...
Theo bà Hoàng Thị Điệp- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: Thời gian qua, việc khai thác lễ hội dân gian của các DTTS để phát triển du lịch còn hạn chế. Nhiều lễ hội quy mô nhỏ, tổ chức rải rác ở vùng sâu, vùng xa, chưa được thông tin quảng bá nên ít người biết đến.
Một số lễ hội mang tính tâm linh, thần bí, có sự tham gia của khách du lịch làm ảnh hưởng đến không gian, tính chất lễ hội và không nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng địa phương. Công tác quản lý, tổ chức chưa khoa học, trùng lặp về thời gian, hình thức, nội dung. Tình trạng lộn xộn, ách tắc giao thông, an ninh, trật tự tại các lễ hội vẫn diễn ra thường xuyên.
Phục dựng lễ hội đúng bản sắc
Để tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy nhiều lễ hội dân gian truyền thống các DTTS, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của DTTS, góp phần xây dựng nền văn hóa VN thống nhất trong đa dạng, tại hội nghị nhiều đại biểu nêu ý kiến: Các sở, ban, ngành địa phương cần tập trung nghiên cứu, chọn lọc phục dựng hoặc tổ chức lễ hội một cách khoa học, thể hiện đúng đặc điểm, tính chất, như trình tự tiến hành lễ hội. Khôi phục những nghi thức diễn xướng, trò diễn… thể hiện bản sắc riêng biệt và đặc sắc của từng lễ hội; loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không tiêu biểu cho bản sắc dân tộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động dịch vụ văn hóa phục vụ lễ hội phải phù hợp với môi trường văn hóa, ý nghĩa của lễ hội, tránh việc thương mại hóa tràn lan, biến môi trường văn hóa thành hội chợ. "Chính quyền các cấp và các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ xây dựng các dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân" - ông Hoàng Đức Hậu nhấn mạnh.
Hoàng Minh