Dân Việt

“Chịu đau” để ổn định kinh tế vĩ mô

03/12/2011 06:29 GMT+7
(Dân Việt) - Hầu hết các DN đều cho rằng, Chính phủ thời gian tới nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

"Cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiếp tục chia sẻ và ủng hộ Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Những hy sinh ngắn hạn của DN hy vọng sẽ được đền đáp bằng sự ổn định và triển vọng tốt của nền kinh tế VN trong dài hạn" - đó là ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (DNVN) 2011 tại Hà Nội, ngày 2.12.

Kiên định Nghị quyết 11 dù "đau đớn"

Theo Báo cáo cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2011 (do IMF và WB thực hiện tháng 9 và 10.2011) cho thấy, mức giảm điểm mà các DN đánh giá về môi trường kinh doanh VN năm nay chỉ còn 2,04 điểm, thấp hơn nhiều so với 2,52 điểm của năm ngoái và gần mức 1,9 điểm của năm 2008 (năm khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra). Điều này cho thấy môi trường kinh doanh năm nay có rất nhiều thách thức cho DN. Do đó, thông điệp của diễn đàn năm nay đưa ra rất rõ: “DN ủng hộ Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô”.

img
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế.

Đáng chú ý là sau nhiều năm được đánh giá cao, quản lý kinh tế vĩ mô (quản lý lạm phát, điều hành tỷ giá) lần đầu tiên bị xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo ngại nhất của môi trường kinh doanh.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Eurocham (châu Âu) nói: "Lạm phát cao kèm theo khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn tại VN đã làm các DN lo ngại".

Hầu hết các DN đều cho rằng, Chính phủ thời gian tới nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. "Việc kiên định Nghị quyết 11 dù có khắc khổ và khó khăn nhưng đúng đắn và cần thiết để đảm bảo sự sống còn của nền kinh tế VN" - ông Christopher Twomey - Chủ tịch Amcham (Mỹ) nhấn mạnh.

Các DN cũng đồng tình với Chính phủ là mục tiêu quan trọng nhất của VN hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhiều DN cho rằng, việc thắt chặt tiền tệ tuy là giải pháp bắt buộc và khá "đau đớn" nhưng qua đây, VN sẽ thanh lọc các DN kém năng lực cạnh tranh, loại bỏ những DN cơ hội, không chuyên nghiệp, đầu cơ trục lợi, sinh ra ăn nhờ cơ chế...

"Đây cũng là việc làm cần thiết khi dư nợ tín dụng của VN đang tăng quá nhanh, tỷ lệ nợ xấu gia tăng..." - ông Brian O'Reilly - Chủ tịch Auscham (Australia) nói.

2012: Ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn

Mặc dù khó khăn, nhưng đáng khích lệ là đa phần các DN vẫn lạc quan về triển vọng của kinh tế VN trong dài hạn. Đến 69% DN (so với 76% DN của năm trước) cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới vì những tiềm năng dài hạn của nền kinh tế VN. Các DN kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở, giảm rào cản gia nhập thị trường và VN cần đối xử bình đẳng DN trong nước cũng như nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương cũng cho biết, năm 2012, Chính phủ sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, phấn đấu dưới 10%. Chính phủ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ nợ Chính phủ, nợ công, nợ quốc gia; ưu tiên dành nguồn tăng thu ngân sách để giảm bội chi, tăng trả nợ. Trọng tâm năm 2012 sẽ là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhằm tăng chất lượng và đảm bảo an toàn cho hệ thống này.

VN phải rất cẩn trọng để hạn chế tình trạng các DN phải cùng lúc đối mặt với khó khăn kép: Vừa khó khăn từ sự bất ổn của nền kinh tế và vừa đối mặt với sự yếu kém từ quản lý điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định: Tăng tín dụng của VN năm 2012 sẽ giữ ở mức 15-17%, thấp hơn mức 20% năm 2011. VN sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tỷ giá phù hợp với thị trường, cung cầu, kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán. Vốn tín dụng năm 2012 sẽ ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa và thắt chặt với các khu vực phi sản xuất, không ưu tiên.

Đại diện nhóm công tác ngân hàng, ông Taylor đã lên tiếng ủng hộ VN có các chính sách ổn định giá cả, tiền tệ. "Công cuộc chống lạm phát của VN phải thắng lợi và tôi tin vào những gì VN đang thực hiện để đạt điều này dù không dễ làm và đòi hỏi VN phải có lòng can đảm"-ông Taylor nói.