Mang di sản về thủ đô
Nằm trong những sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với chủ đề “Du lịch di sản”; đồng thời góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, văn hóa tại Hà Nội, lễ hội phố hoa năm nay có chủ đề “Di sản hoa”. Chương trình mong muốn tạo ra một không gian “đa sắc” chào đón xuân về để tôn vinh các di sản thế giới của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, trong đó đặc biệt các di sản của Hà Nội.
Lễ hội hoa Hà Nội Xuân 2011. |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: “Lễ hội phố hoa chào Xuân 2012 sẽ được tổ chức dọc trục đường Đinh Tiên Hoàng, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và các địa điểm phố Lê Thái Tổ - Lê Thạch - Nhà Kèn. Khác với mọi năm, phố hoa năm nay sẽ được tổ chức ở cả các di tích và danh thắng trong nội thành: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Gióng, tháp Hòa Phong, Tháp Bút - Đài Nghiên, 79 Hàng Trống, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…”.
Lễ hội sẽ bao gồm các hoạt động nổi bật như tái hiện lễ rước hoa tre nhằm mô phỏng một phần lễ hội Gióng ở đền Sóc; thi cắm hoa nghệ thuật; trình diễn nghệ thuật hoa sen, không gian phố hoa Hà Nội và không gian “Đêm hồ Gươm huyền ảo”; Chương trình nghệ thuật chào năm mới 2012; trình diễn trang phục áo dài dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian; triển lãm cây cảnh và sản phẩm làng nghề; hội chợ du lịch… Với một không gian đa dạng và phong phú về chủng loại hoa, không gian Lễ hội phố hoa Hà Nội 2012 được bố trí nằm rộng khắp xung quanh khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm.
Khu vực vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ được bài trí, sắp đặt bằng hoa sen; đường Đinh Tiên Hoàng mô tả các di sản văn hóa và tư liệu thế giới của Hà Nội đã được UNESCO công nhận như: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, bia tiến sĩ Văn Miếu; đường Lê Thái Tổ mô tả các di sản thế giới khác của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, khu đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam, quan họ Bắc Ninh, ca trù, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mộc bản triều Nguyễn. Các di sản vật thể sẽ được mô tả bằng hoa, trong khi đó, các di sản phi vật thể sẽ được dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu hoa. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ thiết lập một bức tranh hoa kỷ lục “hoành tráng” hơn so với những năm trước.
Rằng vui thì thật là vui
Theo tâm lý của người Việt Nam cứ đến dịp tết là phải “vui và chơi hết mình” thì việc tạo nên một không gian hoa đa sắc giữa lòng thủ đô là cơ hội để người dân Hà Nội nói riêng và người dân các tỉnh, thành lân cận nói chung có một điểm đến thú vị trong dịp đầu xuân. Tuy nhiên, với việc sẽ thu hút hàng vạn người đến tham quan, công tác an ninh, bảo vệ luôn là vấn đề “đau đầu” của các nhà tổ chức.
Với sở thích “hoa thơm mỗi người hưởng một chút” thì việc một bộ phận người dân có “âm mưu” lấy hoa chung về làm của riêng vẫn đã và đang được tái hiện trong suốt các lễ hội hoa được tổ chức từ năm 2009 đến nay. Bên cạnh đó, việc muốn tiếp cận gần hơn với những “bức tranh” hoa để có được cho bản thân những bức ảnh có “một không hai” thì cùng với không gian tuyệt đẹp của các loài hoa được trưng bày sẽ là một cảnh vật “tiêu điều” xung quanh được chính người tham quan tạo nên.
Chưa kể, với việc người dân nô nức đi “thưởng hoa” sẽ là cơ hội tốt để kẻ gian ra tay. Rồi việc, ngang nhiên “chặt chém” trong các dịch vụ như gửi xe, bán hàng rong… Đó là những điều mà Ban tổ chức cũng cần tính đến để lễ hội vui thật là vui...
Hoàng Minh