Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiệm cận huyền thoại George Soros
Ngày 17.5, Công ty CP Vinhomes (VHM) - nhà phát triển bất động sản cao cấp lớn nhất Việt Nam thuộc Tập đoàn Vingroup - đã chính thức đưa 2,68 tỷ cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu 92.100 đồng/cổ phiếu. Trong phiên chào sàn, cổ phiếu VHM đã tăng kịch trần lên 110.500 đồng/cổ phiếu với dư mua lớn.
Tại mức giá trên, vốn hóa thị trường của Vinhomes đạt khoảng 296.097 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ hai trên TTCK Việt Nam chỉ sau Vingroup, hiện đạt khoảng 342.902 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup thực hiện nghi thức đánh cồng tại sự kiện Vinhomes nhận quyết định niêm yết cổ phiếu VHM
Trong cơ cấu cổ đông của Vinhomes, có hai cổ đông lớn là tập đoàn Vingroup nắm giữ hơn 1,866 tỷ cổ phiếu VHM tương đương 69,66% cổ phần và quỹ GIC của Singapore nắm 5,74% cổ phần.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vương, Chủ tịch HĐQT Vingroup kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinhomes đang đại diện cho Vingroup nắm giữ hơn 933,26 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 37,83% số cổ phần. Với mức giá tính tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 17.5 của cổ phiếu VHM, số cổ phiếu ông Vượng đại diện nắm giữ có giá trị lên đến gần 103.126 tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với huyền thoại George Soros trên bảng xếp hạng của Forebes
Tính tới cuối ngày 17.5, tổng tài sản của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng theo cập nhật của Forbes đã chạm mức 7,2 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với thời điểm trước khi 2,68 tỷ cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes lên sàn HOSE. Thứ hạng của ông Vượng trên bảng xếp hạng của Forbes cũng có sự thay đổi khi vươn lên vị trí thứ 227.
Ông Vượng hiện đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với huyền thoại đầu tư George Soros (khối tài sản 8 tỷ USD) và nhiều tỷ phú đình đám khác. So với tỷ phú giàu thứ hai Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chênh lệch về giá trị tài sản đã giữa hai người đã lên tới gần 4 tỷ USD.
Vốn hoá của bộ ba cổ phiếu "họ Vin" và quyền lực của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017 đã tác động đáng kể đến tài sản của những người giàu nhất Việt Nam.
Nhờ sự gia tăng quy mô tài sản do giá cổ phiếu tăng lên, mua thêm cổ phiếu cũng như có thêm nhiều doanh nhân mới đưa doanh nghiệp lên sàn, tổng tài sản 100 người giàu nhất TTCK Việt Nam tính tới cuối năm 2017 đã lên đến 390.000 tỷ đồng, tương đương 17,2 tỷ USD, tăng 150% so với mức 155.000 tỷ đồng của năm 2016.
Khối tài sản này tập trung chủ yếu vào những người đứng đầu trong danh sách. Trong đó, nhóm 20 người giàu nhất TTCK Việt Nam nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá 300.000 tỷ đồng. Người dẫn đầu là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sở hữu gần 120.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 tổng tài sản của 100 người giàu nhất TTCK Việt Nam.
Trước khi Vinhomes niêm yết trên HOSE, chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã sở hữu tài sản chứng khoán có giá trị tương đương hơn 1/3 tổng tài sản của 100 người giàu nhất TTCK Việt Nam
Trước khi Vinhomes niêm yết trên HOSE, Tập đoàn VinGroup – Công ty CP (VIC), Công ty CP Vincom Retail (VRE) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) đã niêm yết trên sàn chứng khoán với số vốn hóa khổng lồ.
Từng có thời điểm, vốn hóa của ba mã chứng khoán nêu trên lên tới hơn 450.000 tỷ đồng, tương đương 13% tổng vốn hóa trên 3 sàn HOSE, HNX và UpCom.
Với việc cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes lên sàn chứng khoán dã tạo ra bộ ba VIC, VHM và VRE chiếm tới 23% vốn hóa sàn HOSE. Điều này dự kiến sẽ tạo tác động lớn đến chỉ số VnIndex.
Vốn hóa của VIC, VHM và VRE đạt đến 719.486 tỷ đồng, chiếm 23% tổng vốn hóa sàn HOSE (Ảnh: I.T)
Cụ thể, ngay trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 17.5, cổ phiếu VHM đã tăng trần lên 110.500 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa của cổ phiếu VHM lên đứng thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (VIC). Hiện tại, vốn hóa của VHM đang là 296.097 tỷ đồng (13,04 tỷ USD), còn vốn hóa của VIC là 342.902 tỷ đồng (15 tỷ USD).
Việc 2,68 tỷ VHM lên sàn đã khiến cổ phiếu VNM Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục tụt hạng về giá trị vốn hóa. Hiện tại, VNM có giá trị vốn hóa đạt 245.405 tỷ đồng, đứng vị trí thứ ba.
Bên cạnh hai cổ phiếu VIC và VHM, một cổ phiếu khác thuộc “họ nhà Vin” là VRE của Công ty CP Vincom Retail cũng có giá trị vốn hóa xếp thứ 10 trên sàn HOSE.
Điều này dự kiến sẽ tạo nên bộ ba quyền lực, gây tác động lớn đến chỉ số VnIndex bởi tổng vốn hóa của VIC, VHM và VRE đạt đến 719.486 tỷ đồng, chiếm 23% tổng vốn hóa sàn HOSE (3,18 triệu tỷ đồng).
Nếu so sánh, giá trị vốn hóa của bộ ba cổ phiếu VIC, VRE, VHM hiện còn cao hơn vốn hóa của 9 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên HOSE với giá trị tổng cộng 667.095 tỷ đồng.
Trong những phiên giao dịch gần đây, biến động giá cổ phiếu VIC và VRE đã giúp VnIndex phần nào hồi phục sau khoảng thời gian lao dốc mạnh trước đó. Dự kiến, nếu cổ phiếu VHM tiếp tục tăng trần trong phiên giao dịch ngày 18.5, cổ phiếu này sẽ đóng góp khoảng 6,8 điểm cho VnIndex.
Tham vọng tăng trưởng lợi nhuận 942%
Theo bản cáo bạch Vinhomes vừa công bố, chỉ tiêu doanh thu thuần năm 2018 về hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 24.614 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2017. Vinhomes cũng dự kiến chỉ tiêu doanh thu thuần năm 2019 với mức 80.338 tỷ đồng, đạt 226% so với kế hoạch năm 2018.
Về lợi nhuận trước thuế, Vinhomes đề ra chỉ tiêu 21.971 tỷ đồng cho năm 2018, tăng 942% so với năm 2017. Sau đó, đạt 33.581 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2019, tăng 53% so với kế hoạch năm 2018.
Lợi nhuận sau thuế đặt ra năm 2018 là 17,576 tỷ đồng, tăng 1.023% so với năm 2017 và 26.864 tỷ đồng trong năm 2019, tương đương tăng 53% so với kế hoạch năm 2018.
Ngoài ra, trong năm 2018, Vinhomes còn đề ra chỉ tiêu tăng vốn chủ sở hữu lên 49.117 tỷ đồng, tăng 385% so với năm 2018. Dự kiến đến năm 2019, vốn chủ sở hữu tăng lên 75.982 tỷ đồng, tương đương tăng 55% so với năm 2018.
Về lợi nhuận trước thuế, Vinhomes đề ra chỉ tiêu 21.971 tỷ đồng cho năm 2018, tăng 942% so với năm 2017
Trong năm 2018 và 2019, đối với các dự án do Vinhomes và các công ty con của Vinhomes đang vận hành và quản lý, Vinhomes dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao các căn hộ và biệt thự thuộc các dự án đã mở bán như Vinhomes Central Park, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Metropolis.
Đối với các dự án do Vinhomes liên kết với Vingroup và các công ty trong Vingroup thông qua các hợp đồng chuyển giao dự án hoặc hợp tác kinh doanh đã ký kết giữa các bên, Vinhomes dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ các dự án như Vinhomes Dragonbay, Vinhomes The Harmony, Vinhomes Imperia hải Phòng và Vinhomes Golden River căn cứ theo tiến độ bàn giao dự án và các thỏa thuận đã ký kết.