Dân Việt

Xử vụ chạy thận: Ai là người ký kết hợp đồng với Công ty Thiên Sơn?

Thuần Việt 18/05/2018 15:24 GMT+7
Từ năm 2010, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã có 6 hợp đồng ký kết với Công ty Thiên Sơn về lắp đặt máy. Việc lựa chọn, ký kết hợp đồng do Giám đốc BVĐK tỉnh Trương Quý Dương quyết định. BV nhận trách nhiệm về sự cố, nhưng các luật sư nêu quan điểm cần làm rõ đâu là trách nhiệm của BV, đâu là trách nhiệm của cá nhân.

Ngày 18.5, phiên tòa xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình bước vào ngày làm việc thứ 4.

Luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Quốc) mở đầu. Luật sư Hải hỏi bị cáo Trần Văn Sơn (Phòng Vật tư của BV) về căn cứ phân công phối hợp với nhà thầu? Bị cáo Trần Văn Sơn cho biết: "Không có văn bản phân công chính thức. Việc phối hợp trước nay trưởng phòng vẫn giao làm việc với đơn vị sửa chữa. Khi phối hợp với họ, công việc nếu là sửa chữa thì bị cáo liên hệ để kiểm tra, xác minh hỏng hóc của các thiết bị. Nếu xong, bị cáo sẽ làm các bước bàn giao thiết bị. Nếu nhiệm vụ nào thuộc chuyên môn thì bị cáo sẽ phối hợp, nếu không nghe theo hướng dẫn của bên nhà thầu".

img

BVĐK tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm trong vụ xảy ra sự cố y khoa khiến 9 người chết. 

Luật sư Hải hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc về việc sử dụng các hợp chất axít để tẩy rửa màng lọc. Bị cáo Quốc cho biết đã sử dụng hợp chất axít này để rửa màng lọc RO nhiều lần. Việc sử dụng hóa chất tổng hợp này không có sự giám sát của BV cũng không biết đây là hóa chất cấm dùng trong y tế. Bị cáo Quốc cũng cho biết, Công ty Trâm Anh có chức năng xử lý nước sử dụng cho tất cả các mục đích, bao gồm cả RO. Ngoài ra, các thiết bị máy Công ty Trâm Anh cũng có chức năng xử lý.

Theo bị cáo Quốc, tại vụ việc ngày 29.5.2017 (ngày xảy ra sự cố), bị cáo làm việc theo đại diện của Công ty Thiên Sơn và xử lý làm theo kinh nghiệm. Với công đoạn kiểm tra chất lượng nước, trách nhiệm là của Công ty Thiên Sơn. Lúc này, bị cáo đang làm việc là đại diện cho Công ty Thiên Sơn. Bị cáo có trách nhiệm lấy mẫu xét nghiệm cho Công ty Thiên Sơn. Tuy nhiên, do cuối giờ chiều đã muộn và không có các bên gồm Phòng Vật tư của BV nên không lấy được mẫu.

Bị cáo Quốc cũng khẳng định, đồng hồ bị lắp sai trên hệ thống RO, còn ai lắp thì không biết. Bị cáo chỉ đi lấy nước, kiểm tra các chỉ số an toàn thì mới dùng.

img

Ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình quyết định việc ký kết hợp đồng với Công ty Thiên Sơn. 

"Giám đốc Trương Quý Dương ký kết các hợp đồng?", luật sư Hải hỏi. Đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết: Các máy móc thiết bị này BV bắt đầu chạy năm 2010, do Công ty Thiên Sơn cổ phần, còn việc ký kết, sử dụng như thế nào thì không biết.

Về câu hỏi này, luật sư Nguyễn Danh Huế - đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, từ năm 2010, BV đã có 6 hợp đồng ký kết với Công ty Thiên Sơn về lắp đặt máy. Việc lựa chọn, ký kết hợp đồng do Giám đốc Trương Quý Dương quyết định. Khi sự cố xảy ra, máy móc thiết bị thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn. Tuy nhiên, một số máy đã chạy hết giá trị sử dụng nên thuộc quyền của BV.

Luật sư Huế cũng cho biết, máy móc sau đó được BV giao cho các khoa vận hành. “Tất cả các vấn đề sửa chữa trang thiết bị để chăm sóc sức khỏe người bệnh được giao cho Phòng Vật tư của BV”, luật sư Huế nhấn mạnh.

img

Ngày thứ 4 xét xử vụ án, xuất hiện nhiều tình tiết mới. 

Về trách nhiệm của BV, luật sư Huế khẳng định, luật đã quy định rõ, người có chức vụ cao nhất chịu trách nhiệm với chữ ký của mình. “BV khẳng định nhận trách nhiệm với sự cố, nhưng chỉ rõ ra đâu là trách nhiệm của BV, đâu là trách nhiệm của những cá nhân liên quan”, luật sư Huế nói.