Dân Việt

Khoả nước Quan Sơn

03/12/2011 09:54 GMT+7
(Dân Việt) - Không ồn ào náo nhiệt, cũng không có cảnh chèo kéo du khách, ai đã một lần được thả hồn bồng bềnh với con thuyền ba lá trên hồ Quan Sơn (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sẽ thấy quả là không uổng một chuyến đi.

Cô Đỗ Thị Cam - một người chèo thuyền đặt 4 chiếc phao cứu sinh vào khoang rồi nhỏ nhẹ mời chúng tôi lên thuyền. Đợi cho khách đã yên vị, cô bắt đầu nhẹ nhàng khoả đôi mái chèo xuống làn nước phẳng như gương. Thuyền chở chúng tôi cứ lững lờ, chầm chậm tiến vào bên trong màn sương mỏng tang, đang phủ kín mặt hồ.

img
Đi thuyền khám phá hồ Quan Sơn.

Là nông dân chính hiệu đang nằm trong biên chế tổ chức của khu du lịch này nên cô Cam thuộc từng sự tích, cảnh vật mà cả đời mình gắn bó, cô bắt đầu giới thiệu cho chúng tôi: “Xưa, thấy sơn thuỷ nơi đây hữu tình mà các quan lớn trong vùng thường tụ tập về mỗi khi có kỳ cuộc hội họp. Vì thế mà hồ đã được dân gian gọi là hồ Quan Sơn và cái tên đó được in dấu cho đến tận bây giờ”.

Trong ánh sáng ban mai, núi Trâu Trắng hiện ra tỏ dần theo nhịp khoan nhặt của đôi mái chèo. Ngồi trên thuyền ngước nhìn lên đúng vào giờ khắc mặt trời mọc, du khách có thể thấy rõ hình một con trâu trắng khổng lồ đang vươn cổ, hếch mũi, vênh cặp sừng khoẻ khoắn, như đang cố sức kéo vừng mặt trời sáng loá lên cao.

Con thuyền của chúng tôi lúc này có cảm giác bé như một chiếc lá tre, đang tự do trôi vào một thảm hoa trang trắng xoá. Không còn nhìn thấy nước dưới mạn thuyền nữa, bởi cả mặt hồ được bao phủ bằng những chiếc lá trang tròn vành vạnh to như những cái ô có màu xanh vàng.

Cô bạn miền sơn cước đến từ vùng cao nguyên đá Hà Giang lần đầu được nhìn thấy bức tranh ban mai giữa sơn cùng thuỷ tận này không khỏi phấn khích và thốt lên: “Hình như bọn mình đang được đưa vào một cõi khác hay sao ấy? Không tiếng còi xe, không chen lấn ồn ào, thanh bình nhẹ nhõm đến lạ thường”. Trên vách đá của những dãy núi như gối đầu vào nhau quanh hồ, âm thanh be be của lũ dê gọi nhau bắt đầu một ngày tình tự mới.

Đợi cho khách trên thuyền đã hít hà đã cái không khí trong lành buổi sớm, cô lái thuyền lại bắt đầu “tiếp thị” về nhà hàng ở đây đảm bảo món gì cũng sạch. Dê nuôi tự nhiên trên núi có thể chể biến được 7 món. Cá dưới hồ mỗi năm thu hàng chục tấn nhưng không mất một xu mua cám công nghiệp, vì cá toàn ăn thức ăn tự nhiên, khách gọi lúc nào cũng có cá tươi ăn thoải mái. Cô cười bảo ngoài ra còn đặc sản tôm đồng, cua, ốc, ếch, ba ba... đảm bảo 100% “made in Quan Sơn” chính hiệu mà giá cả thì lại rất “nhà quê ”.

Trước khi rời thuyền, cô Cam còn cẩn thận buộc những bó hoa sen để chúng tôi mang về, cô cười và nói: “Quà Quan Sơn đấy, mang một chút hương đồng nội về phố, để vương vấn cho đến khi nào quay lại thì thôi”.

Mới đi qua những thảm trang trắng loá, thì thuyền lại đưa chúng tôi lọt vào giữa những đám hoa sen, hoa súng. Mũi thuyền nhẹ nhàng táp vào núi Hoa Quả Sơn, công trình được lão bà Đỗ Thị Trinh (73 tuổi) khai phá từ năm 1971 tới nay đã thành rừng sấu, sung, khế nặng quả. Sau bữa trưa với thực đơn tuỳ chọn, du khách có thể ngả lưng trên những phiến đá tự nhiên bằng phẳng như những tấm phản ở trên những đỉnh núi này, hay mắc võng nằm vắt vẻo trong rừng cây rậm rì.

Khi những đàn cò chao nghiêng rồi hạ xuống những khóm tre ven hồ, sau một ngày kiếm ăn vất vả, cũng là lúc chuyến khoả nước Quan Sơn của chúng tôi kết thúc.