Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở Nhật Bản đã hình thành và xác lập nguyên tắc: “Từ địa phương tiến ra toàn cầu”; “Tự tin - Sáng tạo”; “Tập trung phát triển nguồn nhân lực”. Các sản phẩm được phát triển từ chương trình này đều có thương hiệu trên toàn Nhật Bản: Chanh Kobosu; thịt bò Bungo (đoạt Giải Quán quân cuộc thi Vô địch sản phẩm thịt bò toàn Nhật Bản năm 2002); nấm Oita (nấm shiitake) là loại nấm thượng hạng ở Nhật Bản, chiếm 28% thị trường tiêu thụ nấm trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản Nobutaka Tsutsui cho rằng: “Chúng tôi sẽ đáp ứng nhu cầu về các loại thực phẩm an toàn và ngon với mức giá cao hơn một chút”. Chiến lược này kêu gọi tổ chức lại các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đang được tiến hành rải rác ở các vùng sản xuất khác nhau thành các hoạt động chung theo nhóm sản phẩm với một thương hiệu thống nhất “Hàng Nhật Bản” (Japan Brand).
Trong chiến lược mới, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) sẽ có vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ phải trì hoãn thời gian thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản-thực phẩm 1.000 tỷ Yen (gần 13 tỷ USD) vào năm 2017.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nông sản-thực phẩm của Nhật Bản đạt 492 tỷ Yen. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số I, trong 9 tháng đầu năm nay, con số này đã giảm tới 6,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Hạ Anh