Dân Việt

Sắp xây chợ đầu mối nông sản quốc tế lớn nhất Đồng Nai

Bình Nguyên 19/05/2018 13:30 GMT+7
Mới đây, đại diện của 25 tỉnh, thành cùng hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái, chủ trang trại của Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác đã đến tham gia hội thảo Kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống chợ (PMAX) tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất).

Trên 10 hợp đồng hợp tác, bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Công ty TNHH một thành viên Proton với nhiều đối tác là doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

img

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (giữa) thăm gian hàng giới thiệu đặc sản bưởi Tân Triều của Đồng Nai.

Nông sản vùng sâu vào chợ đầu mối

Nói đến ý nghĩa của chương trình PMAX do Bộ Công thương và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức từ ngày 11 đến 15-5 tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Chương trình là diễn đàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân gặp gỡ, kết nối từ sản xuất thông qua hệ thống chợ đầu mối đến các khâu bán lẻ và người tiêu dùng. Qua đó nhằm phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các sản phẩm đặc sản, giàu tiềm năng của các địa phương; góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đến tận khu vực miền núi, vùng xa và hải đảo”.

Ki-ốt kinh doanh các mặt hàng trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây của ông Đào Văn Cương, chủ Cơ sở Hoàng Phúc, được khai trương hoạt động đúng vào dịp diễn ra chương trình PMAX năm 2018 lần đầu tiên tổ chức tại Đồng Nai, trưng bày, quảng bá các đặc sản trái cây của xã Tà Lài (huyện Tân Phú).

Ông Cương chia sẻ: “Tà Lài có rất nhiều đặc sản trái cây ngon, đặc biệt là trái cam xoàn và bưởi da xanh. Hơn 1 năm qua, tôi chủ yếu thu mua trái cây từ xã vùng sâu này đưa đi bán lẻ tại các chợ huyện Tân Phú. Hiện tôi mở gian hàng tại chợ đầu mối với mong muốn tìm thêm nhiều đối tác lớn”.

Cùng mong muốn đưa đặc sản địa phương vào tiêu thụ tại chợ đầu mối nông sản, ông Võ Hoài Thanh, Giám đốc Hợp tác xã  Winnyfood (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), cho hay: “Tham gia chương trình PMAX tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tôi muốn tìm kênh tiêu thụ cho các sản phẩm giá sạch, các loại rau sản xuất theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, chúng tôi mang đến chào hàng các loại rau rừng đặc sản riêng của vùng đất Tây Ninh. Chúng tôi muốn tìm được kênh tiêu thụ với quy mô lớn, ổn định mới tính đến chuyện mở rộng sản xuất dòng rau đặc sản này”.

“Quốc tế hóa” chợ đầu mối

Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa) - đơn vị đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây: “Với quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 2 hécta, hiện chợ đầu mối nông sản Dầu Giây tiêu thụ từ 300-400 tấn nông sản/ngày.

img

Khách tham quan khu trưng bày, quảng bá nông sản tại chương trình PMAX (chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây). Ảnh: B.Nguyên

Đầu tư giai đoạn 2 của chợ đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch sẽ mở rộng với quy mô 48 hécta, là chợ đầu mối lớn của khu vực các tỉnh phía Nam. Dự kiến trong năm 2019, chúng tôi sẽ xây dựng khu chợ thực phẩm tươi sống với quy mô 7 hécta”.

Nói về kế hoạch xa hơn, ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Proton, cho biết Việt Nam hiện vẫn chưa có chợ đầu mối nông sản quốc tế, còn các chợ đầu mối hiện tại đều đã xuống cấp và quá tải.
“Là thành viên chính thức của Liên hiệp chợ đầu mối thế giới, chúng tôi đang triển khai xây dựng tổ hợp dự án chợ quốc tế hiện đại với quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến quốc tế về bán buôn hàng hóa và nông sản, trong đó có chợ quốc tế Đồng Nai. Chúng tôi đã thu hút được rất nhiều đối tác đầu tư từ Nhật, Úc, Tây Ban Nha... và mong sớm được Bộ Công thương phê duyệt đề án này” - ông Long nói.