Làm việc với PV báo Dân Việt, ông Bạch Ngọc Thêm - Chánh văn phòng Huyện uỷ Sơn Tây (nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Lập từ năm 2010-2016), cho biết: "Trong quy hoạch DA thuỷ điện Sơn Trà 1 của xã Sơn Lập có 20 hộ dân bị ảnh hưởng.
Thời điểm trả bồi thường là năm 2015, với tổng số tiền ước trên 4 tỷ đồng. Trong quá trình đo đạc và đền bù, chúng tôi thành lập một tổ công tác do một Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách để theo dõi, giám sát và phối hợp với chủ đầu tư".
Ông Bạch Ngọc Thêm - Chánh văn phòng Huyện ủy Sơn Tây, nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Lập
Nguyên chủ tịch UBND xã Sơn Lập thừa nhận có thắc mắc của người dân về cách đo của chủ DA thủy điện Sơn Trà 1.
Nghĩa là, chủ đầu tư chỉ đo phần đất trong quy hoạch, không đo toàn bộ diện tích cả mảnh rồi trừ ra như các dự án thuỷ điện khác. Sau này nếu mực nước hồ chứa dâng vượt mức cho phép gây thiệt hại cây trồng và mất đất sản xuất rất khó xác định để khiếu nại là đúng.
"Lúc đó chính quyền xã cũng đã kiến nghị nhưng chủ đầu tư không đồng ý và nói, nếu có xảy ra sẽ tính đền bù sau" - ông Thêm nói.
Ông Đinh Văn Đường, một trong số hộ dân được đền bù khẳng định không nhận bất cứ quyết định, văn bản gì liên quan ngoài mảnh giấy ghi số tiền được trả
PV đặt câu hỏi "Ông có biết chủ dự án thủy điện không đưa bất kỳ các văn bản, quyết định liên quan đến diện tích đất bị thu hồi. Sau này xảy ra tranh chấp thì người dân lấy cơ sở nào mà yêu cầu giải quyết?".
Ông Thêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Lập cho rằng chủ DA có đưa cho dân đầy đủ 1 bộ cho người dân rồi (bản thống kê cây trồng, hoa màu bị thiệt hại; quyết định diện tích đất bị thu hồi; hợp đồng chuyển nhượng đất).
Tuy nhiên khi chúng tôi cung cấp đoạn clip ghi lại lời người dân nhận đền bù cho biết chỉ nhận duy nhất mảnh giấy ghi số tiền được trả, ông Bạch Ngọc Thêm im lặng, không nói gì.
Về trường hợp đất cây lâu năm được bồi thường thành đất rừng sản xuất, dẫn đến người dân thiệt hại 29.000 đồng/m2, ông Thêm phủ nhận không có (?).
Một góc khu vực hồ chứa dự án thủy điện Sơn Trà 1
Ông Đinh Văn Dương, người kế nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã này từ 2016 đến nay, khẳng định: "Những phản ánh của người dân về thuỷ điện trong giai đoạn sau đều được chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý theo đúng thẩm quyền. Như vụ chủ DA phát chặt trái phép cây trồng trên đất nằm ngoài quy hoạch của 4 hộ dân đã được lập biên bản và báo cáo lên huyện để có chỉ đạo xử lý”.
Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thẳng thắng: "Hiện huyện đã chỉ đạo cho các bộ phận trực thuộc rà soát, kiểm tra lại tất cả những vấn đề bất cập mà người dân phản ánh.
Những việc gì mà chúng tôi đã nhận nhưng chậm và chưa giải quyết thì nhận trách nhiệm trước dân. Huyện tạo điều kiện cho chủ DA sớm hoàn thành thi công, đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên việc ủng hộ của chính quyền địa phương trên cơ sở đúng các quy định của pháp luật. Không vì bất cứ lý do gì để người dân có nhà cửa, đất sản xuất và cây trồng... trong vùng quy hoạch của dự án phải chịu thiệt”.
Như đã phản ánh, DA thủy điện Sơn Trà 1 nằm trên nhánh sông Đak Sê Lô, thuộc địa bàn 2 xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây, do Công ty Cổ phần 30-4 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, có tổng vốn 1.900 tỉ đồng.
Tuy nhiên trong quá trình thi công, chính quyền xã Sơn Lập kiểm tra và phát hiện chủ dự án phát dọn trái phép cây trồng của hàng loạt hộ dân nằm ngoài ranh giới được quy hoạch.
Số diện tích bị chặt phát trái phép trên đều nằm trong khu vực bị ngập nước khi thủy điện tiến hành tích nước, nhưng chủ dự án không đưa vào qui hoạch để đền bù cho dân...
Nhằm làm rõ hơn nội dung phản ánh của người dân, PV báo Dân Việt nhiều lần gọi điện cho ông Đinh Gia Nội - Tổng Giám đốc Công ty CP 30/4 Quảng Ngãi, chủ đầu tư DA đăng ký làm việc. Thế nhưng ông này không nghe máy.