Chủ động trên mọi mặt trận
Có thể nhận thấy, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã có sự chuẩn bị từ sớm. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm, Sở đã phối hợp tổ chức tọa đàm, cung cấp thông tin tới các nhà báo Thái Lan; doanh nhân, nhà khoa học của Nhật Bản về tiềm năng hợp tác đầu tư, truyền thông, liên kết xuất khẩu vải thiều vào các nước này.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT (thứ 2 bên phải) thăm vùng vải thiều VietGAP tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Ảnh: ML.
Đồng thời Sở tham mưu kết nối, khơi thông thị trường nội địa và xuất khẩu với phương châm chú trọng thị trường truyền thống, khai thác thị trường mới, tiềm năng. Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống siêu thị Metro, Co.opmart, Hapro, BigC, các chợ đầu mối hoa quả tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, sẽ mở rộng tiêu thụ tại miền Trung và Tây Nguyên.
Không chỉ duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, nâng sản lượng sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... mà còn mở rộng sang Trung Đông, Thái Lan, Canada.
“Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức 3 hội nghị với quy mô lớn hơn nhằm mở rộng kênh tiêu thụ qua các siêu thị lớn, uy tín, cung cấp cho thị trường quả vải chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Đó là hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường (Trung Quốc), dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5; Diễn đàn về vải thiều và 52 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh, dự kiến tổ chức vào ngày 8.6 và “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang” tại Hà Nội vào cuối tháng 6”, ông Tấn nói.
Năm nay, lần đầu tiên huyện Lục Ngạn dành kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 50% tem truy xuất sản phẩm đối với các HTX, doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều. Tuy nhiên, Bắc Giang đang gặp khó khăn về việc cấp lại và cấp mới giấy chứng nhận VietGAP cho vùng vải thiều Lục Ngạn nên rất cần được Bộ NNPTNT hỗ trợ.
Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu vải thiều, ông Tấn cũng đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc tháo gỡ khó khăn về các điều kiện đối với chất lượng và truy xuất nguồn gốc vải thiều xuất khẩu sang thị trường này và hướng dẫn cụ thể, chi tiết để chúng ta tổ chức thực hiện. Đề nghị Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn dịch vụ Visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra”.
Các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ Bắc Giang kết nối với các DN có năng lực để xuất khẩu vải thiều vào những thị trường mới; quảng bá, giới thiệu trái ngọt này qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các quốc gia; tiếp cận công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến vải thiều; hỗ trợ bảo hộ thương hiệu vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Anh, Pháp, Thái Lan, Canada.
Chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa Lục Ngạn sẽ vào vụ vải thiều, hiện mọi công tác hậu cần cho mùa vải đã được các ngành chức năng, doanh nghiệp, HTX, người dân chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho những ngày nhộn nhịp.
Sản xuất thùng xốp tại Công ty TNHH Tuyết Dương. Ảnh: VT.
Nhận định nhu cầu về thùng xốp của khách hàng lớn hơn nên hơn 3 tháng qua, Công ty TNHH Tuyết Dương (Lục Ngạn) tập trung vào sản xuất. Theo bà Trịnh Thị Tuyết, Giám đốc Công ty, hiện đã có hơn 10 đại lý, DN liên hệ, ký hợp đồng mua hàng chục vạn thùng xốp của công ty. Để đáp ứng đủ đơn hàng, công ty đã huy động 5 máy sản xuất khoảng 1,2 vạn thùng/ngày đêm. Năm nay, công ty có kế hoạch sản xuất khoảng 150 vạn thùng xốp.
Các cơ sở sản xuất đá cây trên địa bàn huyện cũng bắt đầu tăng công suất. Chủ cơ sở sản xuất đá cây Huệ Lân, thị trấn Chũ (Lục Ngạn), anh Vũ Mạnh Lân cho biết, không chỉ đáp ứng nhu cầu đóng gói quả vải trong huyện, một số đơn vị tại Tân Yên và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương cũng đến đặt mua khoảng 20 vạn cây.
Được biết, Lục Ngạn hiện có 64 cơ sở sản xuất đá cây, thùng xốp. Nhu cầu sử dụng điện trong vụ thu hoạch vải thiều cũng tăng cao, dự kiến vụ này toàn huyện sẽ tiêu thụ khoảng 9 triệu kWh, tăng nhiều lần so với những thời điểm khác trong năm.
Nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, Điện lực Lục Ngạn cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống đường dây, máy biến áp; hướng dẫn, thí nghiệm chất lượng, kịp thời giúp các khách hàng khắc phục khiếm khuyết của thiết bị điện; tăng cường ứng trực, xử lý các sự cố xảy ra trên lưới. Vừa qua, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng công suất máy biến áp Trạm biến áp 110 kV Lục Ngạn từ 25 nghìn kVA lên 40 nghìn kVA.
Những năm trước, vào thời điểm chính vụ, người dân, DN có nhu cầu rút tiền mặt lớn thường dẫn đến quá tải, ách tắc ở một số ngân hàng. Rút kinh nghiệm, năm nay, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Agribank Lục Ngạn) đã có phương án khắc phục như dự trữ tiền mặt; đề nghị Chi nhánh Agribank Bắc Giang II tăng cường nhân lực, phương tiện để mở thêm điểm giao dịch, đẩy mạnh giao dịch lưu động bằng xe ô tô, làm thêm các ngày nghỉ.
Cán bộ Điện lực Lục Ngạn kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện tại thị trấn Chũ. Ảnh: VT.
Từ cuối năm 2017 đến nay, UBND huyện Lục Ngạn đã đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ xi măng giúp người dân trong huyện cứng hóa hơn 100 km đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giúp các phương tiện di chuyển dễ dàng trong mùa vải.
Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, chính quyền và người dân Lục Ngạn đã sẵn sàng vào vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu thu hoạch, tiêu thụ vải thiều của người dân, DN và các thương nhân.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt 90%, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn. Riêng huyện Lục Ngạn ước đạt 90.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái.