Dân Việt

Lạng Sơn: Nghịch lý và lãng phí ở công trình nước sạch tiền tỷ

Chang Liễu 20/05/2018 15:19 GMT+7
Công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang, hoạt động không hiệu quả trong khi hơn 500 nhân khẩu ở xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) phải dùng nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo. Thậm chí, nguồn nước có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nguy hiểm và hệ lụy bệnh tật.

Công trình tiền tỷ hoạt động không hiệu quả

Như Dân Việt đã thông tin, hàng trăm hộ dân ở 4 thôn Pò Sáy, thôn Khòn Quanh, Khòn Cháo, Bản Mới B luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Tại đây hệ thống mương nước ngoài phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp còn được sử dụng làm nước sinh hoạt.

Người dân đã rất phấn khởi khi công trình cấp nước sạch sinh hoạt được khởi công. Những tưởng rằng sẽ có nước sạch sử dụng sau hàng chục năm ăn uống bằng nguồn nước mương không đảm bảo nhưng sự thật không phải vậy. Khi công trình hoàn thiện, bàn giao đi vào sử dụng chưa được bao lâu nước lại ... tịt ngóm!

img

Người dân gánh nước từ hệ thống mương tưới tiêu về phục vụ sinh hoạt.

Theo ghi nhận của PV tại các bể chứa nước sạch thuộc dự án cấp nước sạch lòng bể khô coong, chứa đầy đất, đá sỏi và cỏ mọc um. Còn bên ngoài thì cỏ dại mọc đến ngang bể che kín lối vào. Còn với những bể có nước là do người dân bơm nước từ dưới mương về chứa để thuận tiện dùng cho sinh hoạt hàng ngày.

img

Lòng bể chứa nước đầy đất đá và cỏ mọc xanh um.

Bà Tàng Thị Quản ở thôn Pò Sáy cho biết: “Mùa khô nước còn trong trong một chút nhưng đến mùa mưa nước vừa đục, vừa có mùi tanh, mùi hôi của bùn, rác thải, bao bì thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các loại túi ni lon, thậm chí là xác gia súc, gia cầm chết… trôi theo dòng nước từ đầu nguồn xuống phía dưới rất mất vệ sinh và gây ô nhiễm.

Biết là nguồn nước không đảm bảo nhưng không có nước sạch người dân chúng tôi bắt buộc phải dùng. Những tưởng sẽ có nước sạch sử dụng sau khi hệ thống dẫn nước và bể chứa nước sạch do nhà nước đầu tư đi vào hoạt động. Ai ngờ trước chưa có cũng uống nước mương, sau khi có cũng vẫn uống nước mương”.

img

Ông Hà Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Sàn Viên bên bể chứa nước khô cạn.

Bà Hoàng Thị Áy cũng bức xúc: “Nhà tôi có cách bể chứa vài mét nhưng cũng chưa bao giờ được sử dụng nước ở đây. Ngỡ rằng có công trình nước sạch về thì sẽ bớt khổ, ai dè cả đời vẫn uống nước mương”.

Lỗi tại dân?

Để tìm hiểu nguyên nhân công trình cấp nước sạch cho dân bị bỏ hoang, hoạt động không hiệu quả, PV Dân Việt đã có buổi làm việc với UBND huyện Lộc Bình. Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Từ năm 2010 đến nay do nhu cầu nước sinh hoạt lớn, huyện Lộc Bình đã triển khai xây dựng rất nhiều các công trình cấp nước sạch cho dân với nguồn vốn từ ngân sách, chương trình 135.

img

Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng nước sạch không về là do ý thức của người dân trong quản lý và sử dụng công trình.

Do năng lực còn yếu kém nên từ năm 2015 các xã đã có đề nghị huyện làm chủ đầu tư đối với những công trình này. Hầu hết các công trình cấp nước sạch cho dân khi đưa vào sử dụng đều hoạt động có hiệu quả, chỉ một số ít công trình sau khi hoàn thiện bàn giao cho xã quản lý thì có hiện tượng hỏng hóc, hoạt động chưa hiệu quả do một số nguyên nhân. Các công trình sau khi hoàn thiện sẽ được bàn giao cho các xã tự quản lý.

"Đối với công trình cấp nước sạch ở trong xã Sàn Viên, nguyên nhân nước không về là do công tác quản lý chưa được tốt, ít được quan tâm sửa chữa, nhận thức người dân chưa cao, xuất hiện nhiều đối tượng xấu phá hoại đối với các công trình này" - ông Minh nói.

UBND huyện cũng đã nắm được thực trạng nước sạch không về và người dân sử dụng nước mương để sinh hoạt ở xã Sàn Viên. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo yêu cầu rà soát, bổ sung quy chế quản lý, bảo vệ đối với các công trình chung này. Từ đó sẽ xây dựng một quy chế chung cho toàn huyện, triển khai thu quỹ để bảo trì, sửa chữa đối với những công trình do nhà nước đầu tư. Nếu kế hoạch nhận được sự đồng thuận từ phía người dân huyện sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn huyện.

img

Hệ thống mương nước không có nắp đậy nên nhiều bụi bẩn và rác rơi xuống.

Còn ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng huyện Lộc Bình cho biết: Công trình nước sinh hoạt thôn Khòn Quanh, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình được đầu tư xây dựng năm 2016 theo Quyết định số 1461A/QĐ-UBND ngày 10.6.2014 của UBND huyện Lộc Bình với tổng mức đầu tư là 2.307.40 triệu đồng.

Công trình có tổng chiều dài hơn 4.4km với 4 bể lọc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 586 nhân khẩu thuộc 4 thôn Khòn Cháo, Pò Sáy, Khòn Quanh thôn Bản Mới, xã Sàn Viên. Đơn vị thi công công trình là Công ty TNHH Giao thông xây dựng 689, hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng từ 12.2014. Các công trình này đều hoàn thành theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, chất lượng công trình đảm bảo đạt theo yêu cầu.

Do là công trình chung nên người dân chưa có ý thức, có trách nhiệm trong bảo vệ, sử dụng đối với các công trình này. Từ lúc đi vào hoạt động đến nay đã không dưới 3 lần chúng tôi và nhà thầu thi công phải tiến hành sửa chữa hệ thống ống nước do người dân tự ý chích đục vào đường dẫn, dẫn tới giảm áp lực nước, nước không về đến các bể chứa. Các bể chứa nước không có hiện tượng nứt mà chỉ bị dò nước theo đường vòi dẫn do người dân lay vòi.

"Nguyên nhân nước không về cũng một phần do phao hút nước ở đầu nguồn bị lệch dẫn tới giảm áp lực. Đội tự quản công trình này chưa thực sự sát sao trong quản lý, kiểm tra. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tiến hành sửa chữa công trình. Đồng thời tuyên truyền người dân có ý thức bảo vệ, quản lý và thường xuyên rửa, vệ sinh đối với những bể chứa nước thuộc dự án này" - ông Tuấn cho hay.