Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày rằm tháng 2 năm Giáp Thân (tức ngày 22.3.924). Ông là con của Thứ sử Đinh Công Trứ tại thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là thôn Vân Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Về nguồn gốc của Đinh Bộ Lĩnh, các tài liệu lịch sử có đôi nét khác nhau, cộng thêm hàng loạt truyền thuyết, những câu chuyện dân gian lưu truyền khiến việc xác định nguồn gốc nhân vật gặp không ít khó khăn.
Truyền thuyết kể lại rằng hồi còn nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cho chú ruột là Đinh Thúc Dự ở làng Uy Viễn. Cậu thường tụ tập mục đồng bẻ bông lau làm cờ tập trận và nhanh chóng chiếm được lòng tin của chúng bạn.
Khi được bạn bè tôn làm "chủ tướng", Đinh Bộ Lĩnh tổ chức khao quân mà vật hiến lễ chính là con trâu của ông chú. Buổi lễ khá độc đáo, cậu bé đã dựng được "triều đình tí hon" tại hang Cát Đùn với áo mão, cờ xí bằng bông lau, cây cỏ, hoa rừng.
Tranh minh họa Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ bông lau với trẻ mục đồng. Ảnh cắt từ video.
Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá”.
Đến đêm, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa gọi dậy hỏi duyên cớ. Bộ Lĩnh nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài”
Sau khi cha là Đinh Công Trứ mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ và toàn bộ gia nhân về quê sinh sống.
Dẹp loạn 12 sứ quân
Năm 944, Ngô Quyền mất. Một năm sau, Dương Tam Kha chiếm ngôi và xưng là Bình Vương. Tiếp đó, con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn, truất bỏ Dương Tam Kha, lên ngôi và đưa anh ruột là Ngô Xương Ngập về cùng làm vua. Triều đình hai vua của nhà Ngô rối ren, không quản lý được đất nước.
Một số nơi, thổ hào chiếm đóng các địa phương và dần dần hình thành nên các lực lượng riêng rẽ chiếm giữ, sau này sử sách gọi là 12 sứ quân.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng: "Bấy giờ trong nước nổi loạn, Bộ Lĩnh cùng con là Đinh Liễn đi theo sứ quân Trần Minh Công. Minh Công thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô, khác thường và độ lượng nên giao binh quyền. Sau khi Minh Công mất, Bộ Lĩnh thống lĩnh đội quân, về giữ Hoa Lư. Nam Tấn Vương (tức Ngô Xương Văn) cùng với Thiên Sách Vương (Ngô Xương Ngập) đem quân đến đánh”.
“Bộ Lĩnh sai con trai là Liễn vào làm con tin để hoãn binh. Khi Đinh Liễn đến, hai vương liền bắt Liễn treo lên đầu ngọn sào, sai người báo với Bộ Lĩnh rằng nếu không hàng thì sẽ giết con trai ông.
Đinh Bộ Lĩnh nổi giận khẳng khái: “Tài trai đã quyết chí công danh, khi nào lại chịu bắt chước như đàn bà con trẻ". Ông sai hơn mười tay nỏ cùng nhắm chực bắn vào Liễn.
Hai vương thấy thế kinh hãi bảo nhau: "Ta treo con hắn là cốt muốn cho hắn đầu hàng ngay. Nay hắn tàn nhẫn như vậy thì dẫu giết con hắn đi cũng chẳng ích gì". Hai vương bèn không giết Đinh Liễn nữa, rút quân về. Sau Đinh Liễn lại trở về Hoa Lư.
Sự kiện đó xảy ra vào năm 951, các sử gia sau này coi hành động của Đinh Bộ Lĩnh sánh với của Lưu Bang Hán Cao Tổ, đặt sự nghiệp vì nghĩa lớn lên trên cả tình cảm gia đình.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh chết. Sau đó, Ngô Xương Văn đem quân đi đánh các thế lực chống đối và chết trận. Không còn chính quyền trung ương, đất nước càng thêm rối loạn, bị chia rẽ sâu sắc bởi sự nổi lên của 12 xứ quân. Triều đình phương Bắc lại nhăm nhe khôi phục ách đô hộ. Nhận thấy rõ tình cảnh đó, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên dẹp loạn, thống nhất đất nước.
Là người có tài, lại được nhân dân nhiều địa phương góp sức, đánh đâu thắng đó, Đinh Bộ Lĩnh được tôn làm Vạn Thắng Vương. Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Tình trạng cát cứ chấm dứt và đất nước trở lại bình yên, thống nhất. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư.
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh: WikipediaThiên mệnh ngắn ngủi
Về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh, nhiều tranh cãi và giả thiết được đưa ra. Trong đó, giả thiết được nhiều người biết đến nhất là Bộ Lĩnh bị kẻ phản nghịch Đỗ Thích giết hại.
Tháng 11 năm Kỷ Mão 979 (có tài liệu ghi tháng 10), đêm ấy, vua Đinh Tiên Hoàng ngự tiệc ở điện với quần thần, uống rượu say quá, nằm ngủ luôn tại bậc thềm của sân điện. Phúc Hầu Hoằng là Đỗ Thích có dã tâm từ trước, ra tay giết vua và giết luôn cả Đinh Liễn.
Dân gian kể rằng trước đây, Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu thấy sao rơi vào mồm, cho là điềm lành được làm vua nên mới manh tâm phản loạn.
Tuy vậy, gần đây, nhiều nhà sử học lại đưa ra giả thuyết Đỗ Thích không phải thủ phạm giết vua. Tác giả Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử nêu giả thiết: “Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang (Hạng Lang là con trai thứ ba của Bộ Lĩnh) đã chọn Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó, Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để diệt khẩu”.
Nhà giáo Hoàng Đạo Thúy và một số nhà nghiên cứu cho rằng Đỗ Thích không thể giết vua để giành ngôi báu bởi y chỉ là viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh.
Trong khi đó, triều đình còn vô số người giỏi, nắm trọng quyền. Vậy cớ gì mà Thích có thể mơ tưởng sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi trên ngai vàng?
Sau khi mất, Đinh Bộ Lĩnh được triều thần tôn là Đinh Tiên Hoàng đế. Ông ở ngôi được 12 năm, hưởng dương 56 tuổi.
Linh cữu Đinh Tiên Hoàng được táng ở Sơn Lăng trên núi Mã Yên thuộc Trường Yên, Hoa Lư. Hiện nay, dưới chân núi Mã Yên, đền thờ của ông được dựng trên nền cung điện cũ.