Dân Việt

Lãi ‘cắt cổ’ 85%: Vung tay vay tiền ăn tiêu rồi oằn lưng trả nợ

Trần Thủy 20/05/2018 16:04 GMT+7
Trong khi các ngân hàng “hăm hở” tiến vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng thì khách hàng ngày càng kêu ca về mức lãi suất cho vay quá cao, khiến họ phải nai lưng trả nợ. Chưa kể, họ còn phải hứng chịu kiểu đòi nợ “khủng bố tinh thần”.

img

Khách hàng vay tiêu dùng đang không được bảo vệ

Săn khách vay tiêu dùng

Hàng loạt ngân hàng đang hướng hoạt động vào cho vay tiêu dùng thông qua việc mua lại hoặc thành lập các công ty tài chính.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự kiến, sau khi bán một phần vốn tại công ty cho thuê tài chính trực thuộc, sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Còn Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) có ý định mua lại một công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng lên kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính tiêu dùng trong năm nay.

Nhiều ngân hàng khác thì tìm đối tác chiến lược nước ngoài để hợp tác trong việc xin thành lập mới hay mua lại các công ty tài chính.

Bản thân các ngân hàng TMCP cũng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thông qua hình thức phát hành thẻ và cho vay thấu chi. Tỷ lệ khách hàng lựa chọn cách vay này ngày càng nhiều do không cần tài sản đảm bảo, thủ tục xét duyệt nhanh và đơn giản. Hầu hết đây là các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn. Chưa kể, lãi suất cho vay qua phát hành thẻ của các NHTM lại thấp hơn đáng kể so với lãi vay các công ty tài chính.

Món vay nhỏ, thời gian vay ngắn, trong khi lãi suất lại cao hơn các khoản vay có thế chấp nên gần đây, nhiều NHTM đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua hình thức phát hành thẻ và thấu chi như một cách tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2018 cho thấy, nhiều ngân hàng thu về lợi nhuận lớn, trong đó có đóng góp quan trọng từ cho vay tiêu dùng. Không ít ngân hàng có số lượng khách hàng cá nhân tăng hơn 20% so với thời điểm cuối năm 2017.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017 cho vay tiêu dùng tăng khoảng 65% trong khi năm 2016 tăng 50,2%; tỷ trọng tín dụng tiêu dùng lần lượt chiếm 18%, 12,3% trên tổng dư nợ tín dụng ngân hàng. Dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng khi nhiều ngân hàng đang theo đuổi mô hình ngân hàng bán lẻ như một giải pháp tăng doanh thu.

Hiện nhiều ngân hàng đã lên sàn và muốn đẩy giá cổ phiếu lên cao. Muốn đẩy giá lên thì các con số thể hiện trên báo cáo tài chính phải tốt. Khi đó, chỉ có cách là tăng dư nợ tín dụng cùng lãi suất cho vay lên. Vì thế, việc hướng tới cho vay tiêu dùng (có nhu cầu lớn với lãi suất cao) đang là đích nhắm của ngân hàng.

Lãi suất cao, nai lưng trả nợ

Trong khi các ngân hàng “hăm hở” tiến vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng thì ngày càng có nhiều phàn nàn từ phía khách hàng. Điều khách hàng kêu ca nhiều nhất chính là suất cho vay tiêu dùng quá cao. Ngay cả vay qua thẻ hay thấu chi từ các ngân hàng TMCP, dù lãi suất cạnh tranh hơn vay từ công ty tài chính, nhưng vẫn phổ biến ở mức 40%/năm. Khách hàng phải nai lưng trả nợ.

img

Lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến trong khoảng 25%-40%/năm, đặc biệt là lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở mức trên 40%, có khi lên đến 85% (ảnh minh họa - Minh Dũng).

Vay qua các công ty tài chính, lãi suất còn “cắt cổ” hơn nữa, từ mức 40% cho đến 85%/năm. Thủ tục càng dễ dàng thì lãi suất càng cao. Đáng lưu ý, trong hợp đồng không hề có sự thỏa thuận của khách hàng, mà hoàn toàn là sự áp đặt ý chí của bên cho vay.

Các hợp đồng thường ghi chữ rất nhỏ, nhiều điều khoản quy định khó hiểu, lãi suất thậm chí ghi theo tháng để đánh lừa người vay. Điều này rất bất lợi với người nghèo, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm thực tế. Khi họ đã đặt bút ký thì coi như chấp nhận rủi ro.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, quy định của pháp luật về hợp đồng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang bộc lộ một số nội dung không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Hiện bên cho vay có quyền quy định tất cả các nội dung trong hợp đồng từ lãi suất, mức tiền vay, thời hạn vay và những điều khoản phạt vi phạm hợp đồng. Vì vậy, người vay tiêu dùng luôn là bên yếu thế hơn khi phải chấp nhận những điều kiện giao dịch chung và hợp đồng mẫu, với những điều khoản có lợi cho bên kia.

Trong khi đó, luật hiện hành gần như không có hiệu lực về giới hạn lãi suất cho vay tiêu dùng. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, cho vay ngoài ngành ngân hàng không được vượt quá 20% với các khoản vay trong thời hạn. Còn Luật Các tổ chức Tín dụng (TCTD), khoản 2, Điều 91, cho phép các TCTD và khách hàng của mình thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng, theo quy định của pháp luật. Nếu hiểu đúng điều 91 thì không được vượt quá 20%, nhưng hiện các TCTD vẫn hiểu là vô tận.

Không những thế, người đi vay luôn cảm thấy cực kỳ phiền toái vì bị xâm phạm đời tư. Bên cho vay liên tục nhắn tin, gọi điện thúc giục trả nợ bất kể giờ giấc, ngay cả khi khoản nợ chưa đến hạn. Thậm chí, họ còn liên tục bị gọi đến nhà và cả người thân để đòi nợ, hay gửi cả thư “đe dọa” sẽ kiện ra tòa, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương,... nếu người vay không thanh toán đầy đủ.

Thật khó để chỉ ra những hành vi đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần” nêu trên vi phạm điều luật cụ thể nào theo luật lệ hiện hành, luật sư Đức nói.

Trong khi đó, việc thanh tra giám sát của các cơ quan chức năng khá lỏng lẻo. Có những công ty tài chính luôn đòi nợ kiểu xã hội đen, quấy nhiễu khách hàng, đã tai tiếng nhiều năm, nhưng nay mới có kế hoạch thanh tra.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc thành lập nhiều công ty tài chính hay tham gia vào đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hy vọng sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh, lãi suất giảm chứ không phải để cùng nhau “cắt cổ” người tiêu dùng như hiện nay. Cùng với đó, phải xây dựng bộ “quy tắc ứng xử” để các định chế tài chính tham gia sẽ phải chịu sự ràng buộc, nếu vi phạm khách hàng có thể khởi kiện. Thông qua đó, tạo ra cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nâng cao tiêu chuẩn thực hành vì lợi ích của người tiêu dùng.