Dân Việt

Dạy nghề hiệu quả khi trúng nhu cầu của doanh nghiệp

Thùy Anh 22/05/2018 14:55 GMT+7
Nhiều năm qua, nhờ cơ quan chức năng làm tốt công tác dạy nghề mà nhiều nông dân ở Quảng Ngãi có việc làm, tạo thu nhập ổn định. Phát huy kết quả đó, nhiều năm gần đây UBND tỉnh chỉ đạo địa phương đẩy mạnh hoạt động dạy nghề theo hướng kết hợp doanh nghiệp với cơ sở đào tạo.

Làm tốt công tác phối hợp

Qua nhiều năm triển khai thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tại tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều mô hình dạy nghề phát huy hiệu quả nhờ tận dụng tốt thế mạnh của địa phương. Có thể kể tới như mô hình đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư, thuyền viên tàu cá, hay các mô hình dạy nghề may công nghiệp, dạy nghề tiểu thủ công...

img

Lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn ở Quảng Ngãi.  Ảnh: Thùy Anh

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định phân chia 3 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh năm 2018. Theo đó, nguồn kinh phí sẽ được dùng để phát triển chương trình, giáo trình; hỗ trợ LĐNT học nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp; tổ chức hoạt động giám sát, đánh giá.

Ngày 13.4, Trường Trung cấp kỹ thuật Quảng Ngãi cũng vừa tổ chức khai giảng lớp may công nghiệp cho 100 học viên cung ứng cho Công ty Millennnium đóng tại Khu công nghiệp VSIP-Quảng Ngãi. Đây là 1 trong nhiều mô hình phối kết hợp trong việc dạy nghề giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Tâm ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: “Trước đó tôi làm nghề nông, thu nhập thấp, công việc vất vả, cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên rất khó khăn. Mới đây được lãnh đạo xã giới thiệu, tôi tham gia lớp học may tại Trường Trung cấp kỹ thuật Quảng Ngãi. Phía nhà trường cũng cam kết, sau khi tốt nghiệp sẽ giới thiệu việc làm cho tôi với mức thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/tháng”.

Ông Đoàn Khắc Chỉnh - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cho biết nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với Công ty Millennium Furniture trong công tác tổ chức, quản lý lớp học. Đặc biệt, hai đơn vị cũng phối hợp hướng dẫn học viên thực hành trên các phân xưởng hiện đại mới được lắp đặt do chính công ty cung cấp cho khóa đào tạo này. Thêm vào đó, phía công ty cũng hỗ trợ nơi ăn chốn ở, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi đảm bảo cho người lao động đã cam kết sau khi ra trường đi làm cho công ty.

Ưu tiên dạy nghề cho đối tượng yếu thế

Đầu tháng 4 vừa qua, để thúc đẩy hoạt động dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo nghề LĐNT năm 2018 cho các cán bộ sở, ngành liên quan đến công tác đào tạo nghề và các cơ sở có tham gia đào tạo nghề LĐNT trên địa bàn tỉnh.

Ông Lương Kim Sơn – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2018 tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.970 LĐNT, trong đó đào tạo nhóm nghề phi nông nghiệp 2.400 người, đào tạo nhóm nghề nông nghiệp 570 người. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm, thêm việc làm, được nâng cao tay nghề từ 80% trở lên. Đối tượng áp dụng là LĐNT, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong năm 2018, ông Sơn đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp dạy nghề, đặc biệt chú ý tới hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo. 

“Các cơ sở đào tạo nghề cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thêm vào đó, cũng phải xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT năm 2018, trong đó ưu tiên đối với người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Các đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động được vay vốn sản xuất kinh doanh và tạo việc làm sau khi học nghề để phát huy hiệu quả dạy và học nghề” – ông Sơn chỉ đạo.