Người dân chăm sóc vườn ươm chè giống tại huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thiên Hương
Theo đó, dự án Luật gồm 7 chương và 82 điều, nội dung cơ bản gồm các quy định về quản lý hoạt động sản xuất trồng trọt theo chuỗi, quản lý sử dụng tài nguyên (đất, nước, sinh vật có ích); quản lý và sử dụng vật tư (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); xây dựng và bảo vệ hệ thống canh tác bền vững; bảo vệ môi trường và canh tác thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; chế biến, thương mại và quản lý chất lượng; phân công trách nhiệm các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dự án Luật Trồng trọt có một số điểm mới đáng chú ý, như quy định về quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, giảm bớt thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, sẽ thay đổi hình thức quản lý giống cây trồng, trong đó chỉ khảo nghiệm, công nhận lưu hành đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính; bổ sung quy định về giống được công nhận lưu hành đặc cách; Bỏ quy định ban hành Danh mục giống cây trồng; quản lý vật liệu nhân giống bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Dự án Luật Trồng trọt sẽ bỏ quy định ban hành Danh mục giống cây trồng. Ảnh: Thiên Hương
Rút ngắn quy trình, thời gian khảo nghiệm; giảm thủ tục thẩm định công nhận giống cây trồng; bổ sung quy định khảo nghiệm để sử dụng cho công nhận và bảo hộ giống. Xã hội hóa công tác khảo nghiệm giống cây trồng.
Luật hoá các quy định về quản lý phân bón, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; bổ sung quy định về quản lý chất lượng, quản lý sản xuất, kinh doanh.
Luật hóa quy định về hoạt động canh tác, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ thống canh tác, khuyến khích hình thức sản xuất có hợp đồng, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.
Bên cạnh đó, dự án Luật cũng sẽ quy định về việc rà soát, bổ sung các quy định về bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dự án Luật Trồng trọt được xây dựng để đáp ứng kịp thời những yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Thực tế chúng ta đã có Pháp lệnh giống cây trồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2004, các văn bản pháp luật có liên quan lĩnh vực trồng trọt đã cơ bản đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, Pháp lệnh giống cây trồng, các văn bản pháp luật liên quan đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải xây dựng Luật Trồng trọt.