Dân Việt

Bạo hành trẻ dã man tại cơ sở Mẹ Mười: Tột cùng phẫn nộ!

Đình Việt 21/05/2018 17:45 GMT+7
Ngay sau khi sự việc bảo mẫu ở cơ cơ sở Mẹ Mười vừa cho trẻ ăn vừa đánh dã man, nhiều bạn đọc là người dân, phụ huynh đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ.

Sáng nay (21.5), trên mạng xã hội xuất hiện clip và hình ảnh ghi lại cảnh hành hạ trẻ tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười, đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng làm nhiều người phẫn nộ.

Clip ghi lại hình ảnh một em bé cởi trần nằm trên đất và được một phụ nữ đút cho ăn. Em bé ăn chậm và người phụ nữ này liên tục dùng tay tát mạnh vào miệng trẻ. Có hình ảnh ghi lại cảnh người phụ nữ dùng 2 tay bóp vào mặt trẻ xách lên.

img

Người dân tập trung xung quanh bàn tán, nghe ngóng thông tin.

Trưa cùng ngày, ông Ngô Chính Công - Phó chủ tịch UBND phường Chính Gián, quận Thanh Khê xác nhận sự việc trên và cho biết, chính quyền đã trực tiếp xuống làm việc với chủ nhóm trẻ là bà Đinh Thị Hồng (46 tuổi) và yêu cầu liên hệ tất cả phụ huynh đón các cháu về.

"Trước mắt, ngay trong chiều nay sẽ đóng cửa cơ sở trên. Còn việc xác minh vi phạm thế nào cơ quan công an đang điều tra" - ông Công khẳng định.

Theo ông Công, người quay clip đã nghỉ dạy nên cơ quan chức năng đang xác minh, còn người trực tiếp bạo hành cháu bé là chủ nhóm trẻ.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều bạn đọc là người dân, phụ huynh đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ với hành động của chủ nhóm trẻ.

Bạn đọc Ngọc Minh bình luận: “Là đàn ông, đã lập gia đình và có con, tôi không đủ can đảm để xem những đoạn clip thế này. Chỉ mới xem tấm hình, tay chân đã run lên rồi. Cùng là con người với nhau sao lại nỡ làm vậy. Xin hỏi chị đã có con chưa, nếu người khác đánh con mình như vậy thì chị sẽ làm gì. Tôi thấy sao mà độc ác quá”.

“Là một người mẹ, một phụ huynh học sinh tôi thấy đau đớn khi phải chứng kiến những chuyện như thế này. Tôi lại khóc, khóc vì thương đứa bé, khóc vì cách người lớn đối xử tệ bạc với trẻ con. Thời gian gần đây, ngành giáo dục đã có quá nhiều chuyện rồi, đừng làm cho hình ảnh của cái nghề vốn được xem là cao quý bị ảnh hưởng thêm nữa. Xin các người đấy!”, faceboker Nguyễn Ngọc bức xúc.

Chị Mai Hoa (Hà Nội) bày tỏ: “Còn bao nhiêu trẻ khác bị, đang bị mà chúng ta chưa phát hiện ra nữa đây? Chính quyền địa phương, công an phường hãy rà soát tất cả điểm giữ trẻ và bắt gắn camera tất cả các vị trí, như vậy mới hạn chế được. Còn cha mẹ gửi con hãy thường xuyên thăm con giờ ăn, giờ ngủ để xem và chọn lựa điểm giữ trẻ có camera quan sát”.

“Cháu không phải con cô nên cô nhẫn tâm và ra tay lạnh lùng với con như vậy. Nhưng cha mẹ cháu sẽ sợ hãi và đau lòng tột cùng khi nhìn thấy cô làm cháu đau đớn như vậy. Cháu không phải con cô nhưng cùng là con người mà sao lại đối xử với con như vậy?

Cha mẹ cháu sẽ giận dữ vì đã cực khổ kiếm tiền gửi cháu cho cô để chăm lo yêu thương cháu nhưng cháu lại bị như vậy đây...Cô ơi, cháu chưa nói được mà cháu chỉ khóc vậy thì làm sao cháu chịu đựng nổi?”, độc giả Lan Phương - thay lời em bé bị hành hạ, nhấn mạnh.

Sau khi đọc được thông tin về vụ việc, bạn đọc Nguyễn Văn An đặt câu hỏi, để các vụ bạo hành trẻ liên tiếp xảy ra, liệu các cơ quan liên quan đã làm hết trách nhiệm của mình chưa, hay cứ xuất hiện những đoạn clip bạo hàn mới ra tay xử lý.

Độc giả này cho rằng, đã đến lúc cần có chế tài, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng bạo hành trong các lớp mầm non, việc trước tiên là xử lý nghiêm các vị lãnh đạo của địa phương đó.

Trong khi đó, bạn đọc Phú Quang lại thông tin, hiện nay, về trách nhiệm hình sự, các hành vi phạm tội đối với trẻ em đều được xem là tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Quyền lợi của trẻ em và việc bảo vệ đối với trẻ em cũng rất được quan tâm qua các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo bạn đọc này, mặc dù luật đã có nhưng tình trạng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra chủ yếu là do ý thức của người chăm sóc trẻ em và cũng có thể một phần là các chế tài chưa đủ nghiêm khắc, việc kiểm tra, xử lý chưa đủ sức răn đe.

Do đó, bạn đọc này nêu quan điểm, để góp phần ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em, cần có nhiều giải pháp, trong đó cần phải tăng nặng chế tài xử phạt.