Chỉ trong một ngày, đội quân xâm lược 50.000 người của Xiêm La đã hoàn toàn bị tiêu diệt.
Sau trận đánh này, dù rất ghét vua Quang Trung, sách Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn vẫn phải chép rằng: “Người Xiêm tuy ngoài miệng nói khoác, trong bụng sợ Huệ như sợ cọp”.
Vua Xiêm "đục nước béo cò"
Sau liên tiếp những thất bại, Nguyễn Ánh cuối cùng phải chạy sang Xiêm cầu viện. Nước Xiêm lúc bấy giờ dưới triều vua Rama I đương lúc thịnh vượng. Nhận thấy cơ hội xâm chiếm nước ta đến gần, vua Xiêm lập tức đồng ý.
Theo sách Mạc thị gia phả, khoảng tháng 7.1784, vua Xiêm mượn cớ giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn đã cử hai viên tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương làm tổng chỉ huy 50.000 quân thủy bộ, chia làm 2 đạo tiến sang nước ta. Đi sau chúng là hàng nghìn quân Nguyễn Ánh do đô đốc Mạc Tử Sanh dẫn đường.
Quân Xiêm La lộ rõ bộ mặt cướp nước, khi ra sức cướp bóc tài sản, giết người vô cớ. Tận mắt chứng kiến tội ác của quân Xiêm, một số bộ tướng của Nguyễn Ánh cũng không chịu nổi, đã về với quân Tây Sơn.
Vua Quang Trung chỉ huy trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng Toàn dân.
Được tin chúa Nguyễn kéo quân Xiêm “dày mả tổ”, cuối năm 1784, Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc lập tức cử Nguyễn Huệ vào Gia Định đánh giặc. Tháng chạp năm 1785, Nguyễn Huệ có mặt tại Mỹ Tho (Tiền Giang) để nghênh chiến.
Đến Mỹ Tho, nhận thấy Trà Tân (Cai Lậy, Tiền Giang) là cứ điểm tập trung rất đông quân Xiêm, được canh phòng cẩn mật, Nguyễn Huệ chủ trương nhử địch ra khỏi Trà Tân để đánh một trận sống còn với chúng. Ông một mặt giả vờ xin giảng hòa với quân Xiêm để phân hóa nội bộ kẻ thù, mặt khác tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị diệt địch.
Chiêu Tăng và Chiêu Sương là hai viên tướng rất nham hiểm, chúng muốn “tương kế tựu kế”, lợi dụng việc Nguyễn Huệ xin giảng hòa để do thám tình hình bố phòng của Tây Sơn.
Nguyễn Huệ vờ như không hề hay biết, cứ “ngày ngày sai người sang mời quân Xiêm đến xem chiến thuyền và khoe bày mọi chiến cụ của mình. Khi quân Xiêm về thì tặng cho vóc lụa”.
Được đối xử hậu đãi, Chiêu Tăng và Chiêu Sương hí hửng, cho là Nguyễn Huệ hao tiền tốn của mà vẫn mắc mưu của chúng, còn Nguyễn Ánh thì ngày một nghi kị Chiêụ Tăng và Chiêu Sương.
Quét sạch 50.000 quân xâm lược
Trong khi quân Xiêm ngày đêm lo hưởng lạc, Nguyễn Huệ nhanh chóng bố trí trận địa để chuẩn bị quyết chiến với quân xâm lược. Đoạn sông Tiền, từ Rạch Gầm về đến cù lao Thới Sơn được chọn làm chiến trường chính.
Chiến thuyền Tây Sơn được Nguyễn Huệ mai phục sẵn ở Rạch Gầm và Xoài Mút, nơi hoàn toàn bất ngờ đối với quân Xiêm La. Trước đó, chúng từng được phép tới nơi đóng quân của Nguyễn Huệ, qua lại nhiều lần trên chính đoạn sông này, không có khả nghi.
Từ Trà Tân, Chiêu Tăng và Chiêu Sương vẫn thường xuyên nhận được tin báo Nguyễn Huệ đóng quân ở Mỹ Tho.
Cũng theo sách Mạc gia thị phả, chính Chiêu Tăng nói với Nguyễn Ánh rằng: “Giặc rất tin tôi, cho nên, tất nhiên sẽ không phòng bị. Ta nên nhân đó mà đánh ngay. Vậy, xin hẹn đến đêm mồng 9 tháng này, quốc vương hãy đem ngự binh đi trước xông vào binh thuyền của chúng, tôi và các tướng bản bộ sẽ đem tất cả chiến thuyền lớn nhỏ tiến theo, đánh phá chiến thuyền chắn ngang sông của giặc thì nhất định sẽ toàn thắng”.
Lược đồ mô tả trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Ảnh: Thư viện lịch sử.
Thời gian này, Nguyễn Huệ bí mật bố trí trận đồ mai phục để chờ đợi chúng. Chiến thuyền quân Tây Sơn được giấu kín ở Rạch Gầm và Xoài Mút, các lực lượng khác cũng được sắp đặt sẵn ở hai bên bờ sông Tiền và ở cù lao Thới Sơn.
Đêm 19, rạng sáng 20.1.1785, Chiêu Tăng và Chiêu Sương hạ lệnh tấn công đại bản doanh của Nguyễn Huệ ở Mỹ Tho. Quân bản bộ của Nguyễn Ánh gồm khoảng ba bốn nghìn tên bị Chiêu Tăng và Chiêu Sương đẩy đi trước. Nguyễn Ánh không tin ở thắng lợi, nên đã cố tìm cách đi sau.
Khi xuất quân ở Trà Tân, Chiêu Tăng và Chiêu Sương gặp thuận lợi vì thủy triều đang rút, chiến thuyền của chúng cứ xuôi theo dòng nước mà tiến. Giặc hùng hổ tiến về Mỹ Tho. Khi khoảng 300 chiến thuyền của chúng lọt vào khoảng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút, thủy triều bắt đầu lên, lợi thế xuôi dòng không còn nữa.
Đúng lúc đó, từ Rạch Gầm, Xoài Mút, cù lao Thới Sơn và từ hai bên bờ sông Tiền, lực lượng thủy bộ Tây Sơn đồng loạt tấn công. Ngay từ phút giao tranh đầu tiên, hỏa lực của Tây Sơn đã giành được thế áp đảo, Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy và hạ lệnh đánh đến cùng, “tướng sĩ đều liều chết, không nghĩ gì đến tính mạng, tấn công rất mãnh liệt”.
Mọi cố gắng chống cự của Chiêu Tăng và Chiêu Sương đều bị đập tan. Chiến thuyền của giặc, bị thiêu rụi và nhấn chìm. Hàng nghìn tên cố liều chết vượt lên bờ bị bắt sống. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, toàn bộ quân Xiêm và quân bản bộ của Nguyễn Ánh đã đại bại.
Chiêu Tăng và Chiêu Sương phải liều chết mở đường máu, bỏ cả thuyền chạy bộ sang Chân Lạp mới may mắn thoát chết. Đám tàn quân chỉ còn lại hơn 10.000 tên chạy thoát. Nguyễn Ánh cùng các tướng thân tín cũng hốt hoảng chạy trốn ra Hà Tiên.
Với Rạch Gầm - Xoài Mút, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã viết nên khúc tráng ca đầu tiên về sự nghiệp chống xâm lăng của nhân dân Giạ Định. Phong trào Tây Sơn chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới, giai đoạn hào quang rực rỡ nhất. |