Dân Việt

“Hồ sơ Panama” (Kỳ 1): Bí mật tiền bẩn

Thùy Dương 22/05/2018 18:33 GMT+7
11,5 triệu tài liệu dung lượng lên tới 2,6 terabyte - lớn hơn bất kỳ số tài liệu nào từng bị rò rỉ trước đây. 140 nhân vật gồm chính khách, người nổi tiếng có tên trong những tài liệu này bị cáo buộc trốn thuế, che giấu tài sản ở nước ngoài dưới sự hỗ trợ của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. Vụ tiết lộ thông tin mật được gọi là “Hồ sơ Panama” này đã làm xáo trộn cả thế giới. Tuy nhiên, ai đứng sau vụ này và với mục đích gì hiện vẫn chỉ dừng ở phỏng đoán.

MOSSACK FONSECA - TÂM ĐIỂM VỤ RÒ RỈ

Nhìn từ xa, quang cảnh thủ đô Panama City rất ấn tượng. Hàng chục tòa nhà chọc trời tọa lạc ven bờ biển Thái Bình Dương. Khi máy bay tới gần Panama City, đập vào mắt bạn sẽ là hình ảnh các tàu chở container xếp hàng chờ vào kênh đào Panama. Đâu đó ở khu vực giữa, ngay đằng sau các tòa nhà chọc trời là quận tài chính và trụ sở của Công ty luật Mossack Fonseca. Theo “Hồ sơ Panama”, công ty luật này không chỉ giúp các thủ tướng, quốc vương và tổng thống che giấu tiền bạc mà còn cung cấp dịch vụ cho cả giới độc tài, băng đảng ma túy, tổ chức mafia, những kẻ lừa đảo, các tay buôn vũ khí…

img

Trụ sở Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama City ngày 4.4.

Người sáng lập Mossack Fonseca là ông Jurgen Mossack 68 tuổi, ở Panama thường được gọi là “người Đức”. Mossack và công ty luật của mình đã bán các công ty bình phong ẩn danh trong gần 40 năm qua. Trong nhiều trường hợp, họ cũng cung cấp luôn cả giám đốc “ma” cho các công ty này với mục đích che giấu chủ sở hữu đứng đằng sau. Mossack Fonseca là một trong những công ty luật lớn nhất thế giới cung cấp dịch vụ này và đã trở thành tâm điểm của vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”.

Không phải tình cờ mà ông Mossack lại chọn Panama để mở công ty. Nằm giữa Costa Rica và Colombia, quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này là nơi có số lượng nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài nhiều nhất thế giới. Sinh năm 1948 tại Furth (Đức), gia đình ông Mossack dọn tới Panama từ đầu những năm 1960. Ông học luật ở đây và sau khi tốt nghiệp thì làm việc cho các công ty luật ở Panama và London trước khi thành lập Công ty luật Jurgen Mossack ở Panama City năm 1977.

Dù chính trị ở Panama thời đó biến động lớn nhưng công ty của ông Mossack vẫn ăn nên làm ra. Sau vài năm, “người Đức” đã có danh tiếng nhất định ở Panama. Ông này sống ở Altos de Golf, một khu vực giàu có ở Panama City với các biệt thự san sát nhau. Ông Mossack ở trong một biệt thự xa xỉ ẩn đằng sau một bức tường cao. Bên ngoài lúc nào cũng có những chiếc xe SUV và limousine đắt tiền đậu dọc phố. Camera giám sát khách viếng thăm từ mọi phía. Đó là còn chưa kể đến hàng rào điện, dây thép gai để bảo vệ chủ nhân khỏi kẻ xâm nhập.

img

Ông Jurgen Mossack (trái) và Ramon Fonseca - hai chủ sở hữu Công ty luật Mossack Fonseca.

Mùa xuân năm 1986, Mossack đã hợp lực với Ramon Fonseca Mora, một luật sư người Panama để cho ra đời Công ty Mossack Fonseca. Ông Ramon Fonseca, hiện 64 tuổi, là một chính trị gia quan trọng ở Panama. Ông đã làm cố vấn cho một số tổng thống, là Phó Chủ tịch đảng cầm quyền Panamenista và là một thành viên trong nội các của Tổng thống đương nhiệm Juan Varela.

Đóng tại quận tài chính ở Panama City, công ty của Mossack và Fonseca được cho là có cách tiếp cận thoáng với luật lệ và quy tắc làm ăn. Mô hình kinh doanh của Mossack Fonseca dựa trên một nguyên tắc đơn giản: Khách hàng có thể sở hữu một công ty ẩn danh được thành lập với giá vỏn vẹn 1.000 USD. Nếu nộp thêm chi phí, Mossack Fonseca còn cung cấp cả giám đốc “ma” cho công ty này để che giấu thân phận của người chủ thực sự. Từ bên ngoài nhìn vào, không ai biết có hoạt động gì đang diễn ra bên trong công ty đó. Các giám đốc “bù nhìn” có mỗi nhiệm vụ là ký các mẫu giấy tờ, hợp đồng trắng mà không biết chữ ký của họ cũng như giấy tờ đó sẽ được dùng để làm gì. Các chi tiết hợp đồng sau đó sẽ được điền vào số giấy tờ này khi cần thiết.

Nhìn chung, việc sở hữu một công ty ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp. Trong thực tế, thiết lập một công ty ở nước ngoài có thể được coi là một bước hợp lý để giao dịch làm ăn rộng hơn. Thế nhưng, khi xem xét toàn bộ “Hồ sơ Panama”, người ta có thể thấy mục đích chính của công ty này là che giấu danh tính chủ sở hữu thật của công ty ở nước ngoài.

Theo ông Igor Angelini, Chủ tịch Tổ chức Tình báo Tài chính của cảnh sát châu Âu Europol, các công ty bình phong đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động rửa tiền quy mô lớn. Các công ty ở nước ngoài cũng thường được sử dụng để chuyển tiền hối lộ. Trong bốn thập kỷ từ khi thành lập, Mossack Fonseca đã lập ra, bán và quản lý hàng trăm nghìn công ty kiểu này ở Panama, quần đảo Virgin (lãnh thổ hải ngoại của Anh) và các thiên đường trốn thuế khác. Chi nhánh và văn phòng đối tác của Mossack Fonseca đóng ở khắp nơi trên thế giới.

Lối vào trụ sở chính của công ty tại Panama City luôn có nhân viên an ninh đứng gác. Theo các thư điện tử nội bộ bị rò rỉ, bàn lễ tân của công ty có sẵn một danh sách các cá nhân "không được hoan nghênh", trong đó các nhà báo đặc biệt không được chào đón. Nhà báo của tờ Süddeutsche Zeitung (Đức) đã bị ông Jurgen Mossack từ chối lời đề nghị phỏng vấn. Phát ngôn viên của ông này giải thích rằng các đối tác của công ty không bao giờ trả lời báo chí. Câu hỏi được gửi đến ông Mossack hay được chuyển theo đường bưu điện đến văn phòng đều không bao giờ được trả lời.

Kể từ vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, Mossack Fonseca đã không trả lời khoảng 50 câu hỏi về hoạt động và chỉ ra một tuyên bố rất chung chung khẳng định công ty luôn hành động phù hợp với luật pháp.

Vậy tài liệu nội bộ của công ty này bị lộ ra ngoài như thế nào, quy mô ra sao và hành trình đưa “quả bom Hồ sơ Panama” lên mặt báo diễn ra như thế nào?