Hai bà mẹ bế con ở Trung Quốc năm 2008
Lin Xiao là một người mẹ tuổi teen ở Trung Quốc. Em là một trong hai nhân vật trong bài viết về chủ đề mẹ tuổi teen của phóng viên Yuhong Pang, đăng trên tờ Diplomat ngày 21.5.
Pang viết rằng Lin chỉ nhắn tin cho cô để trả lời phỏng vấn vào 4 giờ sáng hằng ngày. Khi được hỏi tại sao, Lin viết: “Con gái tôi thường tỉnh dậy vào buổi đêm nên tôi phải vỗ nó cho đến khi nó ngủ lại”.
Kèm theo tin nhắn là hình ảnh con gái Lin nằm ngủ trong bóng tối, cùng với một biểu tượng trên điện thoại thể hiện sự kiệt sức.
Theo nghiên cứu của Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc, tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Trung Quốc năm 2015 là 26. Lin thì khác, em kết hôn ở tuổi 16, sớm hơn tuổi trung bình 10 năm.
Lin gặp chồng vào năm 2015 tại trường trung học ở Hóa Châu, thị xã nhỏ ở tây nam tỉnh Quảng Đông. Em tình cờ mang thai một năm sau.
Vào thời điểm đó, Lin đang sống với gia đình gồm bốn em nhỏ ở nông thôn. Mẹ Lin vừa sinh đứa con nhỏ nhất khi Lin phát hiện mình mang thai, Pang viết.
Gia đình Lin tranh luận rất nhiều về việc em có nên giữ đứa bé. Lin muốn giữ con ngay từ đầu nhưng bạn trai muốn em phá thai vì cảm thấy họ quá trẻ để nuôi con.
Lin mang thai khi mới 16 tuổi
Lin ngập ngừng đồng ý phá thai nhưng nhanh chóng nghĩ lại sau khi khám thai. Đó là một bé gái.
“Tôi có thể cảm thấy nhịp tim của nó”, Lin nói với Pang. "Làm thế nào tôi có thể tước quyền sống trong thế giới này của nó?"
Lin thảo luận vấn đề một lần nữa với bạn trai và gia đình. Lần này, mẹ chồng Lin cam kết sẽ hỗ trợ tài chính và giúp họ nuôi dạy đứa trẻ.
Việc giữ đứa trẻ là lựa chọn táo bạo của Lin. Kết hôn trước tuổi từ lâu đã bị kỳ thị ở Trung Quốc. Tại quê của Lin, cô gái kết hôn trước 18 tuổi bị coi là sự ô nhục. Vì vậy cha mẹ Lin bí mật đưa con đến nhà bạn trai. Nhưng đây chỉ là rào cản đầu tiên của Lin và em bé.
Không lâu sau khi sinh con, Lin và chồng tổ chức đám cưới. Theo luật hôn nhân của Trung Quốc, tuổi kết hôn tối thiểu là 22 đối với nam và 20 đối với nữ. Các cặp vợ chồng tuổi teen thường phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý và khó khăn khi có con.
Theo Wei Junhui, một luật sư về hôn nhân ở Trung Quốc, các cặp vợ chồng kết hôn sớm không thể nhận được giấy chứng nhận để đăng ký hộ khẩu cho con - tài liệu cần thiết cho việc xin học, chữa bệnh, mở tài khoản ngân hàng và mua vé tàu.
Việc giữ đứa trẻ là lựa chọn táo bạo của Lin.
Lin cảm thấy may mắn khi có người chồng chu đáo và gia đình hỗ trợ mặc dù em phải nghỉ học. Nhưng Huang Shufen, người mẹ tuổi teen khác ở tỉnh Sơn Đông, không may mắn như vậy.
Giống Lin, Huang cũng lớn lên ở một ngôi làng nông thôn và có nhiều anh chị em. Huang có thai khi 17 tuổi. Cuộc hôn nhân của Huang phản ánh hiện tượng phổ biến hơn ở nông thôn Trung Quốc: ép lấy chồng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Trước đó, Huang đã rời quê hương để làm việc tại Tế Nam ở tuổi 15 để kiếm tiền nuôi gia đình. Ban đầu, em làm người trông trẻ nhưng nhanh chóng nghỉ vì bị quấy rối tình dục. Sau đó, Huang làm hầu bàn trong nhà hàng, nơi em gặp chồng bây giờ.
Họ nhanh chóng kết hôn dưới áp lực của hai gia đình trong năm 2016. Huang có con theo yêu cầu của mẹ chồng vào năm 2017.
Defu Wang, giáo sư xã hội học ở Đại học Vũ Hán, cho biết chi phí kết hôn cao và trách nhiệm liên thế hệ là những yếu tố hàng đầu góp phần làm tăng số cuộc hôn nhân trước tuổi.
Báo cáo tình trạng dân số trẻ em ở Trung Quốc năm 2015, do UNICEF công bố, phản ánh xu hướng này. Trong số 75 triệu thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi, 1,2 triệu người đã lập gia đình và số các bé gái kết hôn gấp hai lần số các bé trai.
Trong số 75 triệu thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi, 1,2 triệu người đã lập gia đình
Liu Tongxia, bác sĩ sản khoa ở Sơn Đông, cho biết giáo dục giới tính không đầy đủ ở Trung Quốc cũng làm tăng khả năng mang thai ngoài ý muốn trong những năm gần đây. Chỉ riêng năm ngoái, Liu đã gặp 3 thai phụ vị thành niên và nhiều cô gái trẻ đến phá thai. Bên cạnh sức khỏe của trẻ sơ sinh, Liu lo lắng nhiều hơn về ảnh hưởng của việc mang thai sớm với người mẹ tuổi teen và gia đình của họ.
"Quan hệ tình dục quá sớm không tốt cho sức khỏe của phụ nữ vì cơ quan sinh sản của họ chưa phát triển đầy đủ và xương chậu của họ vẫn đang phát triển. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn”, bác sĩ Liu nói.
Còn với Lin, khi nhìn lại, em ước gì mình biết nhiều hơn về tình dục ngoài cấu trúc cơ bản của cơ thể người trong sách giáo khoa sinh học. Em hạnh phúc vì được làm mẹ nhưng sợ công khai danh tính là mẹ tuổi teen.
Huang cũng sợ bị xã hội kỳ thị như Lin, nhưng vì lý do khác: cô phát hiện chồng mình đồng tính ngay sau khi kết hôn. Anh chuyển ra sống với bạn trai vào năm ngoái và bây giờ chỉ gửi tiền để giúp nuôi con. Huang dành hầu hết thời gian ở nhà chăm sóc đứa trẻ.
Mặc dù đã làm mẹ, Huang và Lin đều có khuôn mặt như trẻ con. Làm mẹ mang lại cho họ niềm vui nhưng cả sự nuối tiếc vì giấc mơ chưa hoàn thành.
4 giờ sáng một ngày nọ, Lin nhắn tin hỏi phóng viên Pang liệu em có khả năng vượt qua kỳ thi quốc gia về tiếng Anh không nếu em đi thi.
“Cô có thể cho tôi xem chứng chỉ tiếng Anh trông như thế nào không?”, Lin hỏi Pang. “Tôi từng mơ sẽ vượt qua những bài kiểm tra tiếng Anh này. Nhưng tôi sẽ không bao giờ có cơ hội để làm điều đó”.
Sau khi sinh con ở tuổi 13, Ava liên tiếp phải chịu đựng những đau khổ mà em chưa bao giờ nghĩ tới.