Đội chủ giải VTV Bình Điền Long An giành giải 3. Ban Tổ chức còn trao các giải chuyên môn xuất sắc cho các tập thể và cá nhân; trong đó giải VĐV xuất sắc nhất thuộc về Holy Toliver (CLB BIP, Mỹ), VĐV trẻ triển vọng: Dương Thị Hên (CLB VTV Bình Điền Long An), VĐV nước ngoài và trong nước mặc áo dài Việt Nam đẹp nhất: Sabina (Kazakhstan), Đinh Thị Trà Giang (VTV Bình Điền Long An). Hoa khôi của giải thuộc về Sabina (Kazakhstan)…
Chất lượng chuyên môn cao
Theo ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam: Đây là giải đấu bóng chuyền nữ quốc tế có chất lượng và uy tín tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Mỗi mùa giải BTC đều mời được các đội bóng quốc tế có đặc thù lối chơi khác nhau. Năm nay là Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc… vì vậy, các đội bóng trong nước có dịp được cọ xát, học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, nâng cao trình độ thi đấu.
“Hơn 90% VĐV đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia là nằm trong 3 đội tham gia giải này. Đây là đợt tập dượt rất tốt để bóng chuyền nữ Việt Nam tham gia giải ASEAN, giải vô địch Châu Á, giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV… sắp tới” - ông Lê Trí Trường nói.
Ông Lâm Tư, Giám đốc kênh truyền hình VTV9, Trưởng ban tổ chức giải cũng khẳng định trình độ chuyên môn của các đội dự giải năm nay cao hơn hẳn các năm trước. “Các đội bóng, nhất là các đội nước ngoài với lòng đam mê và tinh thần thượng võ của thể thao đã không quản đường xá xa xôi, về dự giải và thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả hâm mộ những trận cầu đỉnh cao hấp dẫn, góp phần quyết định cho sự thành công của mùa giải” - ông Tư chia sẻ.
Công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp
Mặc dù thời gian chuẩn bị ít, địa phương đăng cai gặp rất nhiều khó khăn về vật chất bảo đảm, nhưng BTC đã rất nỗ lực, động viên, tranh thủ mọi nguồn lực cho công tác chuẩn bị và điều hành giải một cách suôn sẻ.
Ông Ngô Văn Đông, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền, đơn vị tài trợ chính và đồng tổ chức giải, chia sẻ: “Bình Điền có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện lớn; với giải bóng chuyền đã qua 11 lần, guồng máy hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Bảo đảm cho giải thành công chính là thể hiện tâm nguyện đồng hành với người hâm mộ nói chung, với nông dân nói riêng, của thương hiệu phân bón Đầu Trâu - Bình Điền”.
Hiệu ứng lan tỏa từ giải đấu
“Tôi không tưởng tượng được mình sẽ đến, tham gia một giải đấu bóng chuyền ở đất nước Việt Nam xa xôi này sẽ như thế nào. Có lo lắng, nhưng khi đặt chân tới đây, gặp ngay sự đón tiếp ân cần, nồng hậu và chu đáo của BTC đêm đến đầu tiên, rồi được tổ chức đi tham quan phố cổ Hội An, làng dệt lụa… được dự đêm gala ấn tượng làm mọi người “cháy” hết mình, tới mức mệt nhoài. Tôi thấy mình thật may mắn. Chiếc áo dài Việt Nam thật đẹp, có in hình các danh thắng thế giới và của đất Quảng Nam trên tà áo và con trâu vàng linh vật của giải sẽ theo tôi về Mỹ. Tôi sẽ giữ nó như kỷ vật quý giá của mình” - Đó là tâm sự của cầu thủ Holly Toliver, chủ công đội BIP (Mỹ), được bình chọn là VĐV xuất sắc nhất giải.
Ông Phó Văn Thọ, 70 tuổi, ở xã Phan Phức, huyện Hiệp Đức, cách nhà thi đấu hơn 40 km. Buổi chiều, ông ăn cơm sớm rồi phóng xe máy tới coi các trận bán kết, tối ngủ lại nhà người quen ở thành phố Tam Kỳ để mai coi cho bằng được trận chung kết, mới về.
“Mình mần ruộng, giờ đang rảnh vì hạn chưa có nước xuống giống vụ hè thu, mới đi coi trực tiếp như vầy được, không thì chỉ coi tivi. Coi thật mặt các cháu đập bóng, thiệt đã”- ông Thọ nói.
Ông Nguyễn Văn Tùng, 52 tuổi thì thuận lợi hơn. Nhà ông ở cùng phường, cách nhà thi đấu chưa đầy 1km. Ông cho biết: “Tôi làm bốc xếp ở chợ, luôn tranh thủ về sớm để qua coi trực tiếp. Tôi coi được 9 buổi rồi. Bữa nào mắc việc, về trễ thì phải coi tivi thôi. Nhưng bỏ coi trực tiếp tiếc lắm. Mấy khi có dịp thế nầy. Hồi trước mình có chơi bóng chuyền nên coi rất rõ à”.
Ông Nguyễn Thiện Quế, ở thị xã Dĩ An, Bình Dương, nói: “Tôi biết giải này lâu rồi, rất mê các cô gái chân dài chơi bóng nên tôi luôn ráng thu xếp công việc để từ 4 giờ chiều, đến tối ôm lấy cái tivi mà theo dõi từng trận. Năm nay, có thêm đội bóng đến từ nước Mỹ, hay quá”.
Ông Huỳnh Em, ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết đã theo dõi toàn bộ giải đấu. “Rất hay, rất hấp dẫn. Ước gì giải đấu được đưa về Sóc Trăng để tụi tui có dịp được coi trực tiếp”- ông nói.
Từ chất lượng tốt nên có uy tín, trở thành thương hiệu, được người hâm mộ bóng chuyền nữ cả nước, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa mong muốn được diện kiến; vì vậy mà cả ông Ngô Văn Đông, TGĐ, đơn vị tài trợ chính và đồng tổ chức, ông Phan Văn Tâm, GĐ Marketing- phó ban tổ chức, ông Phan Quốc Nam, phó GĐ Marketing- ủy viên thường trực đều mong muốn duy trì giải đấu. Khả năng năm 2019 giải sẽ về với miền sông nước Nam bộ, cái nôi của đờn ca tài tử - cải lương, vựa lúa lớn nhất nước: Bạc Liêu - Kiên Giang.