Dân Việt

Chấm chung khảo: 10 dự án đoạt giải cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0"

Lê San- Thu Hà- Trọng Hiếu 23/05/2018 18:39 GMT+7
Chiều nay 23.5, tại Hà Nội, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" đã tiến hành họp để chấm chung khảo 30 dự án dự thi . Kết quả, 10 hồ sơ tiêu biểu là những dự án xuất sắc nhất đoạt các giải thưởng của cuộc thi.

30 dự án đều rất xuất sắc 

Phát biểu tại buổi chấm chung khảo, Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" chia sẻ: “Đã đến lúc, nền nông nghiệp cần phải thay đổi phương thức sản xuất, người nông dân cần phải bán được sản phẩm của mình với đúng giá trị của nó. Những sản phẩm đó cần phải theo quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số để đạt tiêu chuẩn của nhà phân phối, xuất khẩu ra các nước trong khu vực và thế giới".

Ông Lưu Quang Định cũng nhấn mạnh, đây là cuộc thi đầu tiên về KHCN về chủ đề nông nghiệp thông minh được Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phát động tổ chức."Với cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, chúng tôi mong muốn giúp nông dân, những người đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng mạng xã hội, internet của nông dân trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cuộc thi lần đầu tiên do Báo NTNN phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ KHCN tổ chức trên phạm vi toàn quốc"- ông Định nhấn mạnh.

img

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi phát biểu.

Báo cáo kết quả tổ chức cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0”, nhà báo Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập Báo NTNN, Phó Trưởng Ban Giám khảo cho biết, sau hơn 6 tháng phát động Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0”, BTC đã nhận được 968 hồ sơ dự thi. Các hồ sơ tham dự Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0”, gửi từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam qua 3 “kênh”: Tỉnh Hội ND giới thiệu, phóng viên các báo đài giới thiệu, các cá nhân và nông dân tự kết nối với ban tổ chức.

Theo đó, qua vòng sơ khảo thứ nhất, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 96/968 tác phẩm để đánh giá chất lượng của các hồ sơ tham dự cuộc thi. Nhìn chung, những dự án này đều được đầu tư bài bản, mang tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản sạch. Sau khi nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng, Ban Sơ khảo cuộc thi đã chọn ra được 30 dự án, mô hình xuất sắc lọt vào chung khảo để Ban Giám khảo tiến hành chấm điểm và tiếp tục lựa chọn ra 10 dự án, mô hình đặc sắc nhất để trao giải.

img

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Phó TBT Báo NTNN, Phó Trưởng Ban Giám khảo của Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" trình bày báo cáo tổng kết.

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài cũng cho hay, một điểm nổi bật khác của các hồ sơ dự thi, đó là nhiều dự án được đầu tư với số tiền lớn, các sản phẩm được tạo ra đều có nguồn gốc xuất xứ, sạch và đã có thị trường bao tiêu, tiết kiệm được sức lao động cũng như giải quyết được vấn đề lao động, việc làm cho người nông dân. 

 Đặc biệt, một số dự án có quy mô đầu tư nhỏ vẫn được lựa chọn bởi tính áp dụng đơn giản, dễ dàng mà đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, việc ứng dụng Internet, mạng xã hội… trong quảng bá sản phẩm nông sản được những nông dân này tận dụng triệt để: Sản phẩm có đầu ra ổn định, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

img

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ- Môi trường, Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Giám khảo.

Trao đổi về cách thức chấm giải cuộc thi Tôi là Nông dân 4.0, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ- Môi trường, Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Giám khảo cho biết, Ban Giám khảo đã thực hiện chấm các hồ sơ dựa trên ác thể lệ, tiêu chí do BTC đề ra. Cụ thể, chất lượng của những dự án nông nghiệp của các cá nhân, nhóm cá nhân tham dự cuộc thi được đánh giá khá cao.

Đánh giá cao việc Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0", Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng bày tỏ: "Phải nói, Tôi là Nông dân 4.0" là một cuộc thi rất hay và ý nghĩa, đưa khoa học công nghệ vào để áp dụng thành tựu nông nghiệp 4.0. Cuộc thi cũng huy động được sự sáng tạo của nông dân cả nước, nhằm tìm ra những phương pháp công nghệ tối ưu nhất cho toàn bộ quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Chính những dự án tham dự thi cuộc thi là những gợi ý để các nhà khoa học tìm đến và kết hợp cùng với nhà nông tìm ra những phương pháp làm hay, đem lại hiệu quả cao nhất cho nông dân.”

Nhiều dự án sáng tạo, có tính ứng dụng cao

img

GS.TS. Nguyễn Văn Bộ,chuyên gia khoa học, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo phát biểu góp ý về cuộc thi.

Sau nhiều giờ thảo luận, Ban Giám khảo đã cân nhắc và đưa ra nhiều đánh giá sát với từng dự án cụ thể lọt vào vòng Chung khảo. GS.TS. Nguyễn Văn Bộ, chuyên gia khoa học, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo cho hay: "Đây là lần đầu tiên tổ chức cuộc thi tập trung vào khái niệm khá mơ hồ đối với nhiều người, đó là nông nghiệp 4.0. Nhưng tới nay cuộc thi đã nhận được gần 1.000 hồ sơ, chứng tỏ đã có sự tuyên truyền thông tin rất rộng rãi. Ban Sơ khảo cũng đã chọn ra được 30 dự án, mô hình xuất sắc nhất. Nên tới vòng chung khảo đã nhẹ nhàng hơn nhiều bỏ bởi lẽ làm sao đánh giá hồ sơ bám vào 4.0 để nó không lẫn vào công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, cuộc thi khác. Đấy là cái khó, tiêu chí 4.0 là tiêu chí kết nối về công nghệ thông tin, kết nối giữa sản xuất, chế biến với thị trường, sử dụng công nghệ thông tin."

img

Các dự án được các thành viên Ban Giám khảo xem xét và cho điểm kỹ lưỡng dựa trên những tiêu chí đã đề ra

Trong các khâu sản xuất như điều hành, xử lý về mặt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, có mầm mống của CNTT trong này. Ngoài ra việc đánh giá các mô hình công nghệ nhập ngoại về nhưng không có cải tiến gì, cũng cần phải thận trọng. Nhập về nhưng ứng dụng, nhân ra được số nhiều, phải có đánh giá khác. Thêm nữa, cũng ưu tiên những mô hình do chính người nông dân thực hiện, chứ không phải doanh nghiệp. Họ là những người đi sớm đi trước học hỏi ứng dụng về CNTT. Có thể dự án nhỏ nhưng lôi kéo được nhiều người xung quanh tham gia.

10 dự án đạt điểm số cao nhất đã được Ban Giám khảo thống nhất chọn ra. Trong đó có 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến Khích. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ KHCN-MT, Bộ NNPTNT, đây là lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi nên có một số hạn chế như giải pháp về công nghệ 4.0 phải áp dụng các công nghệ cao để phân biệt. Thứ nhất là sáng tạo, thứ hai là ứng dụng phù hợp với thực tiễn sản xuất ở Việt Nam, thứ ba là tận dụng phế phụ phẩm, năng lượng tái tạo.

img

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng.

Tuy nhiên, những căn cứ pháp lý vẫn rất khó cho Ban Giám khảo. Việc xây dựng căn cứ pháp lý, quy chế, thể lệ không những cho ban giám khảo, mà còn cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy nên nên Ban Giám khảo đã thống nhất cuộc thi năm nay sẽ không có giải Nhất, chỉ có 2 giải Nhì. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng thống nhất sẽ trao thêm một số giải phụ, sẽ được công bố vào Lễ trao giải được tổ chức sau này.

img

Toàn cảnh buổi chấm chung khảo Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0".

2 giải Nhì đã thuộc về dự án của ông Võ Quan Huy ở Long An và Võ Văn Sơn ở Ninh Thuận. Đánh giá về mô hình đạt giải Nhì của ông Võ Văn Sơn, nhà báo Nguyễn Văn Hoài cho hay: Khi xem mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Võ Văn Sơn, Ban Giám khảo chúng tôi thấy rất ấn tượng bởi ngoài việc tự mình ứng dụng khoa học công nghệ, anh Sơn còn giúp cho hàng loạt nông dân khác.

Mô hình nuôi tôm của anh Sơn chỉ mất hơn 3 tháng đã cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 50 – 60 con/kg. Ngay sau khi có được hiệu quả, hàng chục hộ dân ở địa phương, các hộ nơi khác đỗ về học tập kỹ thuật và hiệu quả mang lại tương tự. Còn mô hình trồng chuối xuất khẩu của anh Võ Quan Huy cũng mang lại hiệu ứng xã hội sâu rộng. Tạo ra nhiều thay đổi trong nhận thức của người nông dân, hướng tới thị trường thế giới.

Danh sách 10 Dự án xuất sắc nhất đã đạt giải

2 giải Nhì:

- Ông Võ Văn Sơn, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận với dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao

- Ông Võ Quan Huy, ấp Hòa Thuận 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa – Long An với dự án trồng chuối công nghệ cao

3 giải Ba:

- Ông  Lương Văn Nghĩa, ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu với dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh hai giai đoạn trong hồ khung sắt tròn lót bạt HDPE tuần hoàn nước áp dụng công nghệ biofloc.

- Bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), 22 Nguyễn Đình Chi, P.9, Q.6, Tp. Hồ Chí Minh với dự án xử lý trứng công nghệ cao.

- Ông Nguyễn Tám, số 381, quốc lộ 28, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với dự án thực hiện về mật độ và áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ (nông lộ phơi) trong sản xuất lúa.

5 giải Khuyến khích:

- Nhóm tác giả  Nguyễn Duy Hải Linh, Trần Phúc Quỳnh, Nguyễn Duy Tuấn, Hà Nội với dự án ứng dụng trồng rau thông minh – Egarden.

- Ông Cao Phát Triển, quận Ô Môn, Cần Thơ với dự án Thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại di động.

- Ông Nguyễn Phước Việt Cường, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp với Dự án Mô hình trồng rau ăn lá bằng công nghệ thủy canh.

- Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Tp. Đà lạt, Lâm Đồng với dự án Sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

- Ông Nguyễn Văn Tính, Nha Trang, Khánh Hòa với dự án sử dụng mắt lưới hình vuông ở đụt lưới (nghề giã cào đôi) nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.