Dân Việt

Dự án Luật Trồng trọt: "Bác học" quá, phải tra từ điển mới hiểu

Minh Huệ 23/05/2018 19:30 GMT+7
Thảo luận tại tổ chiều 23.5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng dự án Luật Trồng trọt mới cần xây dựng dễ hiểu hơn, bổ sung cặn kẽ quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức sản xuất theo chuỗi để ngăn cảnh năm nào cũng phải "giải cứu nông sản".

Đến nay mới xây dựng luật là quá trễ

Góp ý cho dự án Luật Trồng trọt, ĐBQH Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) nhận xét: “Đến nay mới xây dựng Luật Trồng trọt là quá trễ. Rồi đọc thấy “bác học” quá. Luật dành cho bà con nông dân mà trúc trắc, phải tra từ điển. Giải thích từ ngữ vừa dài, vừa thừa, vừa thiếu, tôi đọc phải kết hợp tra từ điển. Bà con miền Tây mà đọc nát luật cũng không hiểu được gì”.

img

ĐBQH Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) cho rằng dự án Luật Trồng trọt đọc khó hiểu. 

Ông Dũng nêu lên rất nhiều bài học phải trả giá liên quan đến trồng trọt nhưng báo cáo đánh giá tác động của dự luật lại không được đề cập.

“Luật phải quy định cụ thể loại cây trồng, chứ như cây cao su trồng theo phong trào trên miền núi phía Bắc nhưng cho chất lượng mủ kém, không hiệu quả thì ai chịu trách nhiệm, luật phải quy định rõ. Dự thảo luật mới phải rất công phu và có khả năng đi vào thực tiễn, nếu không ĐBQH khó có thể ấn nút thông qua”- ông Dũng góp ý.

Tương tự, theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), đây là đạo luật tác động đến khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng cách trình bày của dự thảo chưa có sự gần gũi. Các thuật ngữ đề cập trong dự thảo luật không sai nhưng chưa tới được đời sống.

Luật tập trung nhiều vào khái niệm, thuật ngữ mang tính khoa học kỹ thuật chuyên ngành chứ chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp người nông dân tiếp cận được giống, phân bón... an toàn.

Ngoài ra, dự thảo luật cần quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ việc đưa các loại giống, phân bón nước ngoài vào Việt Nam và kể cả đưa giống tốt ở Việt Nam ra nước ngoài; có chính sách khuyến khích viện nghiên cứu, cá nhân nghiên cứu, lai tạo giống mới bởi thực trạng nghiên cứu, lai tạo giống mới ở nước ta hiện còn kém so với yêu cầu của một nước nông nghiệp.

img

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu phát biểu góp ý về dự án Luật Trồng trọt. Ảnh: hanoimoi

ĐBQH, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy nhìn nhận dự thảo Luật Trồng trọt chưa cho thấy người nông dân được hưởng lợi gì nếu thực hiện đúng những quy định trong luật này. Cũng chưa thấy rõ trách nhiệm của những tổ chức cá nhân có liên quan, các địa phương trong việc định hướng trồng cây gì, năm nay trồng bao nhiêu ha thanh long, vải thiều...

Dự thảo luật quy định về vùng trồng rất mờ nhạt, các tỉnh sẽ tự làm, như cây thanh long trồng hết từ vùng nọ sang vùng kia, nay miền Bắc cũng trồng dẫn đến không tiêu thụ hết.

“Nếu làm chặt chẽ quy định này thì sẽ giải quyết được câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều năm nay là “được mùa mất giá”, cả nước phải hô hào giải cứu” - bà Thuý nói. 

Luật phải ngăn được "khủng hoảng thừa"

Cùng góp ý cho dự án Luật Trồng trọt, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) góp ý dự luật này chưa đề cập đến các vấn đề an toàn thực phẩm – kết quả của trồng trọt như quy định về thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ khắp cả nước.

“Mỗi ngày Việt Nam nhập tới 2 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật, nếu là con số chính xác thì Luật Trồng trọt phải có quy định cụ thể để quản lý chặt, đồng bộ không chỉ với phân bón mà cả thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật thế giới hạn chế, không sử dụng mà chúng ta vẫn dùng, làm hại nguồn nước, hại môi trường”- bà Lan lo ngại.

img

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, dự án Luật Trồng trọt phải hướng đến ngăn khủng hoảng thừa nông sản. Ảnh: I.T

Cũng theo bà Lan, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đi tìm đất để làm sản phẩm hữu cơ, không hại đến đất, không đụng đến hóa chất. Nhưng tìm được miếng đất đủ sạch, không bị dư lượng hóa chất là cả một vấn đề. Nhiều doanh nghiệp đi tìm khắp nơi mà không có nổi khu đất sạch nào đủ rộng, đành phải để đất 3 năm không sử dụng cho thải loại hết hóa chất, sau đó đo kiểm lại các thông số về môi trường mới dám sử dụng.

Đáng lo ngại, theo bà Lan, luật phải hướng đến ngăn được “khủng hoảng thừa” sản phẩm, chấm dứt được cảnh nông dân thấy được giá thì xông vào trồng, mùa sau lại đi giải cứu.

“Một luật ban hành ra rất tốn kém công sức, tiền bạc và được sự chờ đợi của người dân, nhưng luật chỉ để trang trí thì thà không có còn hơn. Không có những vũ khí chống lại sự sai trái thì không có còn hơn” - bà Lan thẳng thắn nói.

Tiếp đó, cùng góp ý cho dự án luật này, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư - ĐBQH Phạm Minh Chính cho rằng, về Luật Trồng trọt phải hoàn thiện sao phù hợp với xu thế phát triển của thị trường, phù hợp với thể chế thị trường của mình.

"Ví dụ ăn nhiều rau củ quả thì có vùng quy hoạch nguyên liệu rau củ quả, có chế biến... như Hàn Quốc có vùng nhiều sản phẩm từ sâm. Từ quy hoạch nguyên liệu, quy hoạch vùng thì từ đó có chính sách ưu đãi để tập trung trọng tâm trọng điểm", ĐB Phạm Minh Chính dẫn chứng.

Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, trồng cây củ quả hiện đang có hiệu quả thì tập trung quy hoạch và chính sách, thu hút nhà đầu tư có sự hỗ trợ vốn và thị trường; người nông dân chuyên về trồng trọt, còn vốn, khoa học công nghệ phải có sự hỗ trợ từ thành phần kinh tế khác, và muốn thế phải có chính sách trọng tâm trọng điểm.

"Đặc biệt cần làm tốt hơn công tác dự báo. Tôi đi các nước thấy họ có dự báo cho nông dân như đối với sản xuất bông và lúa mì, người ta dự báo sang năm giá bông có thể xuống thì nông dân căn cứ vào đó điều tiết giảm diện tích trồng bông để tăng cường trồng lúa mì và ngược lại. Cần hỗ trợ người nông dân dự báo thị trường dựa vào cung cầu và cạnh tranh. Luật phải theo hướng phù hợp với Luật cạnh tranh, cung cầu và phù hợp xu thế phát triển để phát huy tiềm năng lợi thế của chúng ta. Không quá cứng nhắc trong quy định là trồng cây gì" - ĐB Phạm Minh Chính nhấn mạnh.