Cả thôn bị nhiễm chì
Theo phản ánh của người dân, từ khi nhà máy chì đi vào hoạt động cũng là lúc cuộc sống, sức khỏe của họ bắt đầu bị ảnh hưởng. Bằng chứng là số người mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, bệnh hiểm nghèo tăng theo cấp số nhân. Mỗi khi nhà máy hoạt động hết công suất, đốt phế thải đúng ngày âm u thì mùi nồng nặc không ai chịu nổi. Cây cối, trâu bò, gà vịt xung quanh đều còi cọc, chết dần chết mòn mà không rõ nguyên nhân.
Khói nghi ngút, mùi khét lẹt tỏa ra từ nhà máy.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, mặc dù đứng cách xa nhà máy hàng km chúng tôi vẫn cảm thấy khó thở bởi mùi khét lẹt, nồng nàn hóa chất. Lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của mình, nhiều hộ dân đã gửi mẫu phẩm đến cơ quan chức năng xét nghiệm. Kết quả cho thấy, hàng trăm người dân sống tại thôn An Tri có hàm lượng chì trong máu cao hơn 10µg/dL (trên 10 microgam/đêxilit).
Tất cả người dân sinh sống tại thôn An Tri và các công nhân đều được trả về với kết quả bị nhiễm chì.
“Cũng biết là độc hại lắm nhưng sinh ra lớn lên ở đây, tổ tiên ở đây thì đi đâu được. Muốn đi cũng chẳng biết làm gì sống trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Lớp già chúng tôi cũng gần đất xa trời rồi nên đành chịu, chỉ khổ cho bọn trẻ con trong làng. Bị nhiễm chì thế này chẳng biết sau này sức khỏe, con cái chúng sẽ ra sao nữa”, bà Nông Thị Viên (65 tuổi) một người dân sống quanh khu vực lo lắng.
Rau cỏ, hoa màu không thể phát triển được, cứ vàng lá dần rồi chết.
Đưa chúng tôi ra vườn, bà Viên chỉ vào đám rau èo uột, vàng vọt: “Trồng ngọn bí mang bán không ai dám mua vì họ biết trồng ở vùng An Tri cạnh nhà máy lọc chì. Trồng cây khoai lang xanh lá nhưng trâu bò có qua cũng không ăn. Rau cỏ nhà tự trồng nhưng chính mình còn sợ chẳng dám ăn” - bà Viên cho hay.
Khói mù mịt bên trong khu sản xuất của nhà máy.
Cùng chung những bức xúc, lo lắng, anh Vy Văn Hiên cho biết: Từ năm 2010, khi nhà máy chì bắt đầu hoạt động cả cái thôn này phải gánh chịu ô nhiễm khói bụi, không khí có mùi hôi nồng nặc, mùi khét rất khó chịu. Ban đầu thấy trẻ con, người già trong làng hay bị ho, có nhiều bệnh về hệ hô hấp nhưng không ai nghĩ là bị ảnh hưởng bởi chì. Sau nhiều người trong làng làm công nhân nhà máy đi khám thì phát hiện bị nhiễm chì nên cả làng mới cuống cuồng đi kiểm tra.
"Hai con trai nhà tôi mới 12, 15 tuổi nhưng đã bị nhiễm tỉ lệ chì là hơn 70µg/dL. Sau mỗi đợt có kết quả kiểm tra, phía công ty có cấp thuốc cho người dân, nhưng nhiều người sau khi sử dụng loại thuốc này có dấu hiệu đau đầu, bị ngất, có người thì bị mẩn ngứa và lở loét. Nhà thì nghèo, lo ăn từng bữa tiền đâu mà cho con đi Bệnh viện Bạch Mai thải chì nên cứ phải cố chịu mà sống thôi” - anh Hiên chua xót nói.
Kết quả xét nghiệm nồng độ chì 70.75 µg/dL của một em bé 6 tuổi.
Theo anh Hiên, ban ngày còn đỡ mùi, ban đêm họ (nhà máy) mới tăng quạt xả khói ra lúc đó còn mùi hơn. Nhiều đêm đóng kín cửa nhưng mùi nồng nặc, khét lẹt còn chẳng ngủ nổi. "Hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm ảnh hưởng như vậy, chẳng lẽ phát cho chúng tôi vài hộp thuốc rồi cứ để như vậy sao" anh Hiên bức xúc.
Xét nghiệm rồi... để đấy
Theo tìm hiểu của PV, được biết Nhà máy chì này thuộc Công ty CP kim loại màu Bắc Bộ có diện tích 6.1ha, có giấy chứng nhận đầu tư ngày 30.10.2008 của UBND tỉnh Lạng Sơn và hoạt động từ năm 2010 đến nay. Đây là một công ty liên doanh với Trung Quốc, giám đốc công ty này là do một người Trung Quốc đứng tên.
Chất thải màu đen bên ngoài tường rào của công ty.
Nhận thấy những thay đổi từ môi trường, lo lắng tới sức khỏe nên các hộ dân tại đây đã nhiều lần làm đơn gửi lên chính quyền địa phương yêu cầu kiểm tra, xử lý đối với hoạt động của công ty này nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết cho bà con để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của bà con quanh khu vực nhà máy.
Trao đổi với Dân Việt, bà Hoàng Thị Tâm, Phó thôn An Tri cho biết: “An Tri hiện có 75 hộ với 304 nhân khẩu, qua kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả mọi người đều bị nhiễm chì với tỉ lệ cao. Sau nhiều lần người dân làm đơn kiến nghị lên xã và các cấp thì ngày 11.5 vừa qua, Sở TNMT có đến làm việc và báo cáo kết quả rằng hoạt động của nhà máy chì là vẫn trong mức độ cho phép".
"Tại buổi làm việc, lãnh đạo thôn cũng không nhận được bất cứ văn bản cụ thể nào trả lời về mức độ ảnh hưởng của nhà máy đối với sức khỏe và hoạt động sản xuất của người dân chúng tôi. Chúng tôi là người dân chẳng biết ai cấp phép hay dự án này từ đâu ra nhưng bây giờ cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu không thay đổi, bà con chỉ biết sống trong mối lo bệnh tật, môi trường thì bị hủy hoại dần bởi ô nhiễm” - bà Tâm cho hay.
Nước thải từ nhà máy cũng theo đường thoát nước chảy ra ngoài.
Ông Vy Văn Thàng, Phó Chủ tịch xã Bình Trung cho biết: Do quá lo lắng về tình trạng sức khỏe nên người dân thôn An Tri đã từng liên hệ với Viện 69 thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về làng lấy mẫu máu để kiểm tra thì có 169/172 mẫu cho kết quả máu chứa hàm lượng chì cao, vượt gấp 4 - 7 lần mức cho phép. Chính quyền xã và các cấp cũng tạo điều kiện để người dân được đối thoại trực tiếp với nhà máy. Nhưng phía nhà máy không công nhận kết quả mà người dân tự tổ chức ra để lấy mẫu.
Đồng thời vị này cũng cho biết: Do xã không có chuyên môn trong kiểm tra, xét nghiệm mức độ người dân bị ảnh hưởng cũng như mức độ tác động của nhà máy đến môi trường nên sau khi nhận được những phản ánh của người dân, xã cũng đã phản ánh lên các cấp trên, các Sở, ban, ngành liên quan để tiến hành kiểm tra, đo đạc đối với hoạt động của nhà máy này và chờ kết quả, chỉ đạo từ cấp trên.
"Trong thời gian nhà máy nghỉ bảo dưỡng từ 12.2017- 3.2018, phía Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Lạng Sơn đã tiến hành về lấy mẫu máu của người dân để xét nghiệm. Tới nay đã gần 2 tháng, chúng tôi chưa vẫn chưa nhận được kết quả nào" - ông Thàng khẳng định. |