Ô nhiễm kinh khủng
Mùi hôi thối từ khí thải và nước thải của các xí nghiệp chế biến thuỷ sản đã thành mùi “đặc trưng” ở KCN Hòa Trung. Ai đi qua đây cũng phải bịt mũi, phóng nhanh do mùi hôi thối rất khó chịu.
Bà Nguyễn Thị Son - người bị “mắc” lại trong vùng ô nhiễm của Công ty Kim Hồng |
Gia đình ông Trần Công Minh ở đối diện Công ty TNHH một thành viên Kim Hồng - Cà Mau (chuyên chế biến đầu vỏ tôm), có 7 người thì 4 người viêm mũi mãn tính. Cháu nội ông là Trần Thị Linh Lanh (3 tuổi) có lần hít phải khí thải bị ngạt thở, phải đi cấp cứu, thở oxy mấy ngày.
Ông Phạm Văn Toản ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, đại diện hơn 100 người dân đi khiếu kiện về ô nhiễm môi trường, bức xúc: “Sông đổi màu đen ngòm, cá tôm chết là do các xí nghiệp xả thải bẩn ra sông. Bà con nuôi tôm thì tôm chết, đi thưa kiện mà cơ quan chức năng không xử lý nghiêm”.
Ống xả thải của Công ty Kim Hồng xuống kênh Lương Thế Trân. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, hơn 10 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại KCN Hòa Trung có ống xả nước thải bằng nhựa đặt xuyên qua đường giao thông, đổ xuống kinh xáng Lương Thế Trân. Theo nước lớn, nước thải từ kinh này lan ra các sông rạch của TP.Cà Mau, các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời làm tôm cá chết, dân khiếu kiện dai dẳng. Ngày 21.11.2012, Thanh tra Sở TNMT Cà Mau đã lấy mẫu nước thải của Công ty Kim Hồng nhưng đến nay vẫn chưa có động thái xử lý. Ông Nguyễn Sính - Phó Chánh Thanh tra Sở TNMT Cà Mau nói: “Mẫu nước phải gửi đi xét nghiệm, sau khi có kết quả phải xác định chỉ tiêu nào vượt mới xử lý được”.
Phạt cho tồn tại (?)
Ngày 11.4.2012, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Quốc tế JBICHEM Cà Mau 285 triệu đồng do chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã chế biến đầu vỏ tôm, gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau đó, doanh nghiệp có đơn xin thi hành nộp phạt thành 3 lần, rồi tiếp tục sản xuất.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú bức xúc: “Việc phạt hành chính các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường không được bà con đồng tình. Bà con yêu cầu chính quyền phải làm sao để các xí nghiệp dừng xả thải ra môi trường, chứ phạt rồi vẫn cho tồn tại thì cũng bằng không”.
Do các cơ quan chức năng chậm giải quyết nên người dân xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Hàm Rồng (Năm Căn) đã tự xử bằng cách đập phá 2 nhà máy chế biến đầu vỏ tôm.
Ông Nguyễn Việt Lập - Phó Trưởng ban Khu kinh tế Cà Mau cho biết: KCN Hòa Trung có các xí nghiệp nằm rải rác, chưa xây dựng cơ sở kỹ thuật hạ tầng. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải chung chưa có, mạnh ai nấy xả thải, rất khó kiểm soát. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường đang trở thành yêu cầu bức xúc của người nuôi tôm ở TP. Cà Mau và các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi.
Nguyễn Bình