Nhiều lần xét xử
Theo trình bày của ông Hóa, năm 1988 ông có thay mẹ mình mua 1 phần căn nhà số 223/6C Xô Viết Nghệ Tĩnh (số 91 Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh) từ ông Lê Văn Chín với giá 8 lượng vàng. Sau khi nhận trước 4 lượng vàng ông Lê Văn Chín chỉ giao cho ông 1/2 căn nhà 5mx4,5m,trên khuôn viên diện tích 5mx14m. Ông Hóa nhiều lần đề nghị UBND P.26 can thiệp yêu cầu ông Chín giao phần đất còn lại rồi ông trả tiếp 4 lượng vàng nhưng ông Chín không chấp hành.
Vụ tranh chấp được đưa ra TAND Q.Bình Thạnh giải quyết. Ngày 6.6.1990, TAND Q.Bình Thạnh tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà giữa ông Hóa và ông Chín. Đến phiên tòa phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm.
Ông Hóa thông tin, khoảng 17 năm sau (năm 2007) ông Lê Văn Chín kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà nhà đất. Dù TAND Q.Bình Thạnh trả đơn với lý do hết thời hiệu khởi kiện nhưng sau đó, TAND TP.HCM lại có công văn đề nghị TAND Q.Bình Thạnh thụ lý.
Ngày 22.12.2008, TAND Q.Bình Thạnh một lần nữa tuyên hủy hợp đồng mua bán giữa ông Hóa và ông Lê Văn Chín. Sau đó TAND TP.HCM lại tuyên hủy án sơ thẩm do vi phạm về tố tụng.
Căn nhà số 91 Nguyễn Xí có giá trị cao gấp nhiều lần sau 30 năm.
Đến ngày 19.3.2015, TAND Q.Bình Thạnh đưa vụ việc ra xét xử lại, đồng thời tuyên hủy hợp đồng mua bán giữa ông Nguyễn Văn Hóa và ông Lê Văn Chín. Lý do, hợp đồng mua bán của ông Hóa với ông Chín là hợp đồng mua bán đất, không phải mua bán nhà. Việc mua bán đất chưa có giấy tờ là vi phạm điều cấm của pháp luật. Tòa tuyên ông Hóa phải trả lại đất cho ông Chín, còn ông Chín hoàn trả lại cho ông Hóa số tiền khoảng 1,8 tỷ đồng.
Ông Hóa bức xúc: “Tôi mua nhà cách đây 30 năm thời điểm đó rõ ràng có nhà trên đất và có các nhân chứng xác nhận, cả lãnh đạo phường. Sau đó, tôi mới sửa chữa lại nhà và ở cho đến nay, đã được đổi số nhà, thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên quan đến nhà đất với nhà nước. Vậy mà nhiều lần xét xử TAND Q.Bình Thạnh vẫn cho rằng tôi và ông Chín làm hợp đồng mua bán đất. Tòa tuyên ông Chín trả lại cho tôi 1,8 tỷ đồng là không hợp lý vì bây giờ giá trị căn nhà hơn 11 tỷ đồng”.
Cho rằng phán quyết của tòa cấp sơ thẩm không đúng, ông làm đơn kháng cáo lên TAND TP.HCM. Nhưng từ năm 2015 đến nay, Tòa nhiều lần gửi văn bản thông báo hoãn xử khiến gia đình ông mệt mỏi chờ.
Xác định sai đối tượng trong hợp đồng?
Tại đơn khởi kiện cũng như các biên bản ghi lời khai tại biên bản được tòa ghi nhận, ông Lê Văn Chín xác nhận có ký hợp đồng bán đất cho ông Hóa một thửa đất có diện tích ngang 5m, dài 30m với giá 8 lượng vàng. Sau khi ký hợp đồng ông đã giao cho ông Hóa một nửa diện tích đất. Ông khẳng định thời điển 2 bên ký kết hợp đồng mua bán không có căn nhà nào hiện hữu. Sau đó ông yêu cầu hủy hợp đồng nêu trên, ông sẽ trả lại cho ông Hóa 4 lượng vàng 24k đã nhận.
Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Hóa đưa ra một số chứng cứ chứng minh thời điểm làm hợp đồng mua bán có căn nhà ở số 223/6C Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là bản án ly hôn giữa ông Chín và vợ cũ có nội dung ghi ông Chín được chia một phần đất và 1 căn nhà tạm; văn tự mua bán nhà giữa bà Nguyễn Thị Tây (mẹ ông Hóa) với ông Chín thể hiện có 1 căn nhà lá diện tích 5mx30m; lời xác nhận của ông Nguyễn Văn Hưng (môi giới); tổ trưởng tổ dân phố, nguyên Bí thư phường 26…
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trong vụ này TAND Q.Bình Thạnh xác định sai đối tượng của hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Hóa và ông Chín nên dẫn đến xác định sai mối quan hệ tranh chấp.
Tòa cho rằng hợp đồng mua bán là về đất, không phải mua bán nhà đất. Do đó trong bản án sơ thẩm ngày 19.3.2015, TAND Q.Bình Thạnh áp dụng Điểm a, tiểu mục 1.4 phần I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10.8.2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình. Tại mục trên quy định, giao kết dân sự trước ngày 1.7.1996 không vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội; một trong các bên không giao kết hợp đồng thì thời gian yêu cầu tòa tuyên giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng điều này chưa chính xác, Tòa không thể áp dụng Điểm a, tiểu mục 1.4 phần I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP. Thay vào đó, Tòa cần áp dụng theo Nghị Quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31.3.2005 của Hội đồng Thẩm phám TAND Tối cao.
Tại Tiểu mục 2.1, Mục IV Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP quy định: Đối với những vụ việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 159 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự (2004) về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Nếu tranh chấp phát sinh trước ngày 1.1.2005 thì thời hạn 2 năm kể từ ngày 1.1.2005.
“Ngày 15.10.2007 ông Chín mới nộp đơn khởi kiện đến TAND Q.Bình Thạnh là đã quá 2 năm kể từ ngày 1.1.2005, cụ thể là 2 năm 9 tháng 4 ngày. Do đó theo quy định Tòa phải trả lại đơn kiện trong trường hợp thời hiệu đã hết” - vị luật sư này nói. Ngoài ra, luật sư cho rằng Tòa chưa xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ; chưa xác định rõ diện tích đất ông Hóa đang sử dụng… Do đó phán quyết của tòa cấp sơ thẩm chưa đủ căn cứ.
Trao đổi với PV, một cán bộ TAND TP.HCM cho biết, vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng mua nhà nêu trên sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 29.5 tới do có kháng cáo của bị đơn Nguyễn Văn Hóa và một số người có quyền lợi liên quan. Còn nguyên đơn Lê Văn Chín đã ủy quyền cho người khác tham gia làm đại diện trong quá trình giải quyết vụ việc. Quan điểm của tòa về vụ việc này sẽ được thể hiện trong phiên xử ngày 29.5 tới đây.