Dân Việt

8 nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm đào tạo khuyến nông

Trần Quang 27/05/2018 20:50 GMT+7
Ngày 23.5 tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đã tổ chức khai mạc Hội nghị Awgate lần thứ 25. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ hợp tác các nước ASEAN về đào tạo nông nghiệp và khuyến nông của các nước trong khu vực ASEAN.

Tham dự hội nghị lần này có đại diện 8 nước ASEAN gồm Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Philippines, Lào, Campuchia, Brunei và nước chủ nhà Việt Nam.

Phối hợp hiệu quả trong đào tạo khuyến nông

img

 Anh Đinh Văn Việt - nông dân trẻ với nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc ở xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh (Ninh Bình).  Ảnh: Trần Quang

Ông Trần Văn Khởi cho hay, đến tháng 7.2018, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức một lớp tập huấn và thâm canh chè bền vững. Dự kiến trung tâm sẽ mời hơn 30 cán bộ khuyến nông và nông dân tiên tiến của các nước ASEAN đến để cùng tập huấn. Cùng với đó, hàng năm Việt Nam cũng cử cán bộ khuyến nông và nông dân tiên tiến đi dự các lớp tập huấn mà các nước bạn tổ chức.

Ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, hàng năm Ban thư ký hội nghị tổ chức họp một lần và luân phiên giữa các nước. Năm 2018 này, Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Hội nghị của Nhóm công tác ASEAN về đào tạo nông nghiệp và khuyến nông (Awgate) với thành phần là những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực khuyến nông của 8 nước.

Ông Khởi cho hay: Hội nghị lần này nhằm thực hiện các nội dung nhiệm vụ quan trọng trong cam kết giữa các Bộ trưởng của các nước, trong đó có tập huấn khuyến nông. Hàng năm các nước ASEAN sẽ tổ chức một lớp tập huấn mời các cán bộ khuyến nông và nông dân tiên tiến của các nước đến để tập huấn về chủ đề trên trong vòng một tuần.

Theo đó, các nước tập trung thảo luận về khung chính sách, lộ trình hoạt động trong công tác đào tạo nông nghiệp, khuyến nông giai đoạn 2016 - 2025. Từ đó đẩy mạnh việc hợp tác hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho nông dân giữa các nước. Đồng  thời đánh giá tiến độ thực hiện các dự án và hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về đào tạo nông nghiệp, khuyến nông giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Khởi, năm 2017, Trung tâm đã làm tốt vai trò đại diện khối cơ quan nhà nước tham gia xây dựng phát triển mô hình hợp tác công tư ngành hàng cà phê, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh Tây Nguyên. Mô hình đã triển khai trình diễn, tập huấn kỹ thuật, hoàn thiện tài liệu về sản xuất cà phê bền vững cho hệ thống khuyến nông và các tổ chức sản xuất, bộ tài liệu đào tạo cho cán bộ khuyến nông (TOT) và nông dân sản xuất cà phê (TOF) về kỹ thuật trồng mới, tái canh và chăm sóc cà phê, giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất cà phê bền vững.

“Đây được đánh giá là một trong số ít hợp tác PPP (công - tư) đạt kết quả cao nhất trong nông nghiệp. Trung tâm đang phối hợp tổ chức SNV và Hiệp hội Chè, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xây dựng tài liệu tập huấn TOT để thống nhất tài liệu chuẩn phục vụ tập huấn cho các địa phương trong cả nước” - ông Khởi nói.

Cũng theo ông Khởi, trong việc đào tạo, tập huấn khuyến nông, ngoài việc đào tạo chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến mà nông dân của các nước đang áp dụng, các nước còn học hỏi nhau về năng lực sản xuất, nhất là năng lực sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lực sản xuất các sản phẩm an toàn thực phẩm...

“Việc tổ chức lớp tập huấn này được các nước đánh giá rất cao bởi những hiệu quả vô cùng thiết thực. Thông qua việc tổ chức này, các nước có cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của nhau rất tốt” - ông Khởi khẳng định.

Cần kinh phí cố định cho việc đào tạo

Hội nghị Awgate lần thứ 25 diễn ra tại Việt Nam kéo dài trong 3 ngày từ 23.5.2018 đến 25.5.2018.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, trong hội nghị năm nay, trung tâm cũng đưa ra chủ đề quan trọng đối với nông dân ASEAN, đó là vấn đề "Giảm thất thoát sau thu hoạch", đặc biệt là những thất thoát trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.

"Chúng tôi sẽ bàn luận kỹ và tìm giải pháp làm sao để nông dân vừa sản xuất theo tiêu chuẩn ASEANGAP, GlobalGAP đảm bảo điều kiện xuất khẩu, đồng thời cũng giúp nâng cao thu nhập cho người dân" - bà Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh đó hội nghị cũng ưu tiên thảo luận việc tổ chức, đào tạo cho các nông dân trẻ, giúp họ có thể sớm tiếp cận công nghệ 4.0. Tuy nhiên theo bà Hạnh, vấn đề này lại đang gặp nhiều hạn chế do ngân sách để cử học viên tham gia các chương trình đào tạo nông nghiệp và khuyến nông giữa các nước còn hạn chế. "Đây cũng chính là nội dung mà các nước ASEAN đang đề xuất là làm sao phải có ngân sách cố định hàng năm để các nước cử học viên đến học hỏi kinh nghiệm tại các nước trong khu vực" - bà Hạnh nói.

Bà Hạnh cũng cho hay: Điểm mới là hội nghị năm nay cũng đưa ra chương trình làm sao để thay đổi nhận thức cũng như đào tạo cho các nông dân trẻ, đây là lĩnh vực đang rất được ưu tiên. Trong thời gian tới tại Việt Nam, chúng tôi cũng đề nghị thành lập chương trình để đào tạo về kiến thức, kỹ năng cho các nông dân trẻ để họ có thể yên tâm ở lại nông thôn phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là việc hỗ trợ các nông dân này ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng thu nhập và làm giàu.