Dân Việt

Vũ khí hạng nặng Mỹ khép vòng vây quanh Nga

Ngọc Hòa 24/05/2018 21:30 GMT+7
Theo Defence News, Lầu Năm Góc bắt đầu chuyển số lượng lớn binh sĩ và vũ khí hạng nặng đến một số nước Đông Âu.

Lực lượng Mỹ triển khai ở châu Âu (USAREUR) thông báo, việc chuyển thiết bị quân sự được xem xét như cuộc tập trận toàn diện nhằm thực hành di chuyển quân đội trên lãnh thổ châu Âu trong trường hợp cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra trên lục địa.

Trong đợt điều động lần này có khoảng 3,3 nghìn người và 650 thiết bị quân sự sẽ được chuyển giao, bao gồm 87 xe tăng Abrams M-1 và 18 khẩu pháo tự hành MU-109 Paladin. Tất cả các thiết bị sẽ được gửi đến các nước Baltic, cũng như Ba Lan, Romania, Bulgaria và Hungary.

Một phần của quân đội sẽ được vận chuyển bằng đường sắt và đường cao tốc. Ngoài ra, đường thủy cũng được huy động cho việc điều động vũ khí lần này của Mỹ.

img

Lực lượng pháo binh Mỹ.

Tuyên bố chính thức của USAREUR khiến tình hình Đông Âu căng như dây đàn bởi ngay trước thời điểm ra tuyên bố này, một đơn vị lính Mỹ 3.000 quân nhân đã đến đồn trú tại miền tây Ba Lan dưới danh nghĩa lực lượng NATO. Ba Lan đã chờ đợi sự hiện diện của lực lượng này từ rất lâu khi họ luôn phải đối mặt với "mối đe dọa của Nga".

Cựu lãnh đạo cấp cao của Ba Lan, bà Beata Szydlo, có mặt trong buổi lễ đón tiếp các binh lính Mỹ không ngớt lời khen ngợi: "Họ là đại diện của quân đội hùng mạnh, tuyệt diệu nhất thế giới. Sự hiện diện của họ ở đây là một giai đoạn mới trong chiến lược của chính phủ Ba Lan nhằm tăng cường an ninh cho đất nước Ba Lan và cả khu vực".

Để đối phó với "mối đe dọa Nga", Ba Lan và các nước Baltic, nhân thượng đỉnh NATO vừa qua, được đón mỗi nước trên đất mình một lữ đoàn của NATO. Thiếu tướng Timothy McGuire, Phó chỉ huy các lực lượng mặt đất Mỹ ở châu Âu, cho biết thêm:

"Lữ đoàn chiến đấu vũ trang 3 của Sư đoàn lục quân 4 là lực lượng tinh nhuệ và sẵn sàng cao với những trang thiết bị tốt nhất, là lớp đi đầu trong công tác lãnh đạo và huấn luyện của các lực lượng chiến đấu trên thế giới", vị tướng này cho biết.

Để duy trì kỹ năng sẵn sàng chiến đấu, các binh lính sẽ tiến hành nhiều "cuộc tập trận thực tế" với các đồng minh ở nhiều địa điểm trên khắp Ba Lan và châu Âu.

Ngoài số xe tăng và thiết bị quân sự kể trên, Mỹ còn có kế hoạch điều khoảng 500 xe quân sự khác, luân phiên có mặt tại Ba Lan và các nước thành viên NATO kế cận kể cả Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Bulgari và Hungary.

Đây là đợt Mỹ hỗ trợ quân sự cho Đông Âu lớn nhất trong hàng chục năm qua, tuy nhiên đây không phải là tất cả những động thái của Mỹ quanh Nga trong thời gian gần đây.

Để thực hiện kế hoạch khép chặt vòng cung sát Nga từ Bắc Âu đến Đông Âu, hồi đầu năm 2017, đã có khoảng 500 lính thủy đánh bộ Mỹ được triển khai tại Na Uy trong đợt triển khai kéo dài nhiều tháng. Các binh sĩ thuộc trại Lejeune ở bang Bắc Carolina đã đáp xuống sân bay Vaernes, gần thành phố lớn thứ 3 Trondheim của Na Uy trong cái lạnh -2 độ C.

Quân đội Mỹ sẽ đóng ở Na Uy trong một năm sau khi đội quân lính thủy này hoàn thành đợt dàn quân kéo dài 6 tháng. Người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ nội địa Na Uy Rune Haarstad, người phụ trách tiếp đón lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ quân sự Vaernes, cách biên giới Nga khoảng 1.500 km, cho biết binh sĩ Mỹ đã diễn tập các tình huống tác chiến trong điều kiện khắc nghiệt của mùa Đông.

"Trong thời gian đầu tiên, lính Mỹ được huấn luyện cơ bản, học cách chiến đấu cùng xe trượt tuyết và cách tồn tại trong thời tiết băng giá khắc nghiệt, điều này không liên quan gì tới tình hình hiện tại với Nga" - ông Haarstad nói.

Việc tăng quân và vũ khí đến Romania, Ba Lan cùng với động thái tương tự tại Na Uy của Mỹ được một số chuyên gia cho rằng, về thực chất Mỹ đang dần khép kín cánh cung thép từ Bắc Âu đến Đông quanh Nga.