MESSI VÀ NGHI ÁN TRỐN THUẾ
Vụ Messi bị cáo buộc trốn thuế bắt đầu từ năm 2005, khi đó Messi và bố là ông Jorge Horacio Messi đã bán bản quyền hình ảnh của Messi cho các công ty có trụ sở tại các “thiên đường trốn thuế” tại Trung và Nam Mỹ như Belize và Uruguay. Các đối tác nào muốn sử dụng gương mặt của Messi trong quảng cáo thì phải ký hợp đồng với các công ty này. Phí quảng cáo được thanh toán tại các thiên đường thuế còn cơ quan thuế Tây Ban Nha không thể làm gì ngoài việc giương mắt nhìn.
Chiêu này không hề mới trong thế giới thể thao. Đầu những năm 1990, các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Tây Ban Nha đều bán bản quyền hình ảnh của mình cho các công ty ở nước ngoài. Điều này được nhắc tới rất nhiều trong “Hồ sơ Panama” với 20 cái tên cầu thủ và cựu cầu thủ đẳng cấp thế giới có liên quan tới các công ty bình phong của Mossack Fonseca.
Trong vụ của Messi, cầu thủ này không đóng một đồng thuế nào cho khoản thu nhập từ quảng cáo trị giá 10,1 triệu euro. Số tiền này Messi hưởng từ các hợp đồng quảng cáo với những công ty như Adidas, Banco Sabadell, Danone và Telefónica. Ngoài ra, theo cáo buộc, bố con Messi còn không cho cơ quan thuế xem một số thông tin quan trọng để che giấu các giao dịch tài chính ở nước ngoài. Qua các giao dịch này, Messi bị cáo buộc trốn 4,1 triệu euro tiền thuế từ năm 2007 đến 2009.
Messi liên tục dính nghi án trốn thuế.
Mùa hè năm 2013, giới chức thuế Tây Ban Nha thông báo cuộc điều tra nhằm vào Messi. Ngày 12.6.2013, hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE lần đầu đưa tin về các cáo buộc, kích hoạt truyền thông thế giới theo đuổi vụ việc.
Đó là trước khi có “Hồ sơ Panama”. Còn sau khi “Hồ sơ Panama” xuất hiện, người ta lại phát hiện ra tài liệu từ tháng 6.2013 trong hồ sơ này cho thấy Messi nắm giữ 50% cổ phần một công ty bình phong mà Mossack Fonseca từng quản lý. Công ty tên là Mega Star Enterprises, thành lập ngày 8.2.2012, có tới 5 giám đốc “ma” nhưng Messi và bố là Jorge Horacio Messi mới là chủ thực sự. Không ai biết đến công ty này nếu không có “Hồ sơ Panama”.
Công ty Mega Star Enterprises ban đầu không phải do Mossack Fonseca mà là do một công ty luật Uruguay thành lập. Ngày 17.2.2012, công ty luật Uruguay đã xác nhận rằng Lionel Messi là đối tác duy nhất của Jenbril S. A, một công ty bình phong được thành lập trước đó lâu hơn nhiều và chính là công ty khiến Messi bị Tây Ban Nha cáo buộc trốn thuế.
Messi (trái) và bố sẽ phải hầu tòa vào ngày 31.5 tới.
Theo như “Hồ sơ Panama”, các luật sư Uruguay của Messi đã viết thư điện tử cho Mossack Fonseca để tìm người quản lý mới cho Mega Star Enterprises. Hai bên trước đó đã trao đổi qua điện thoại và nhất trí Mossack Fonseca sẽ quản lý Mega Star Enterprises trong tương lai. Bố con Messi ký giấy tờ ngày 23.7.2013.
Thực ra, “Hồ sơ Panama” không nói rõ về vai trò của Messi trong mạng lưới công ty của cầu thủ này. Một tài liệu có nói mục đích kinh doanh chung chung của công ty là đầu tư nhưng cũng không có bất kỳ hợp đồng hay giao dịch làm ăn cụ thể nào thông qua Mega Star Enterprises. Điều này có thể là vì có một bên khác được ủy quyền đối với công ty. Với ủy quyền như vậy, các bên thứ ba có thể mở tài khoản, mua bất động sản hoặc hoàn thành hợp đồng mà không cần nhắc tới chủ thực sự.
Trước đó, khi lần đầu xuất hiện trước thẩm phán điều tra, Messi đã tuyên bố: “Tôi không nhìn thứ tôi ký. Nếu bố tôi bảo tôi cần ký, tôi nhắm mắt ký. Tôi không hỏi”. Khi được tờ Süddeutsche Zeitung của Đức phỏng vấn, siêu tiền đạo này cũng nói mình nhắm mắt ký mọi thứ mà các cố vấn đưa cho. Ông Jorge Messi đã bảo vệ tuyên bố của con trai, nói rằng Messi không bao giờ đọc bất kỳ hợp đồng hay thông tin thư từ nào. Ông đích thân đàm phán hợp đồng và đưa cho con trai ký.
Trong thực tế, chiến lược đổ mọi lỗi lên ông Jorge Messi có hiệu quả với quan tòa điều tra. Ngay cả cơ quan thuế Tây Ban Nha cũng tin lời khẳng định của Messi rằng mình không biết gì về thuế má và chính bố Messi khởi xướng hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Tây Ban Nha vẫn nhất quyết muốn truy tố Messi vì hai lý do. Thứ nhất, luật không coi việc không biết là một lý do có giá trị. Kiểu gì thì chính Messi cũng đã ký giấy tờ. Thứ hai, Messi sẵn sàng chấp nhận hoàn thuế từ năm 2007 đến 2009. Cho dù bên công tố không muốn, Bộ Tài chính đã buộc tòa phải mở phiên xét xử cả Messi lẫn ông Jorge Messi.
Với mỗi tội danh trong tổng cộng ba tội danh mà Messi bị cáo buộc, cơ quan thuế chỉ đề nghị mức phạt tù tối thiểu là 7 tháng 15 ngày. Ngay cả khi Messi bị kết tội với cả ba tội danh trốn thuế, cầu thủ này cũng không phải ngồi tù. Ở Tây Ban Nha, chỉ ai chịu án tù dài hơn 2 năm mới không được hưởng án treo. Ngoài ra, khoản phạt 4,1 triệu euro không thành vấn đề với một cầu thủ giàu sụ như Messi – cầu thủ đá kiếm nhiều tiền nhất thế giới với ước tính tổng thu nhập năm 2015 là 65 triệu euro, trong đó lương hàng năm tại Barcelona là 36 triệu euro, số còn lại đến từ quảng cáo.
Do vậy, kể cả khi xuất hiện cáo buộc mới trong “Hồ sơ Panama”, nhiều khả năng Messi sẽ vẫn duy trì lời biện hộ “nhắm mắt ký” cho dù cái tên Lionel Messi xuất hiện trong các hợp đồng của Mega Star Enterprises.