Truy trách nhiệm của Giám đốc Bệnh viện và Công ty Thiên Sơn
Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng để xảy ra vụ án này, lỗi do Giám đốc bệnh viện đã thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật khi không đấu thầu đúng quy định để chọn được nhà thầu có chuyên môn và năng lực.
Không kiểm tra, đôn đốc, giao nhiệm vụ cho cá nhân cụ thể tại phòng vật tư hoặc phó giám đốc thực hiện sửa chữa này. Giám đốc Công ty Thiên Sơn đã vị phạm luật đấu thầu, không kiểm tra, giám sát việc sửa chữa dấn đến tồn dư hóa chất trong nước để chạy thận.
Luật sư Lê Văn Thiệp đang bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.
“Trong vụ án này, Giám đốc bệnh viện và Giám đốc Công ty Thiên Sơn đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật để thông thầu nhằm trục lợi, rút ruột tài sản của nhà nước và có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Đối với Giám đốc Công ty Thiên Sơn còn có hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của tội tham ô tài sản như Điều 285 Bộ luật Hình sự”, luật sư Lê Văn Thiệp khẳng định.
Cũng theo ông Thiệp, việc cáo trạng truy tố bác sĩ Hoàng Công lương về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật, không phù hợp sự thật khách quan của vụ án.
Trong cáo trạng và cả đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa không trích dẫn văn bản nào quy định bác sĩ điều trị phải kiểm tra báo cáo về chất lượng nước để chạy thận nhân tạo; Không có quy định nào bắt buộc việc bác sĩ xác nhận về tình trạng thực tế của tài sản lại bị ràng buộc trách nhiệm đối với chất lượng nước;
Cũng không có quy định nào bắt buộc bác sĩ điều trị phải giám sát quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống nước xem người bảo dưỡng, sửa chữa đó sử dụng hóa chất và vật liệu gì để sửa chữa, bảo dưỡng.
Theo quy định, chỉ có công ty thiết bị vật tư y tế mới có đủ điều kiện để thực hiện công việc sửa chữa bảo dưỡng. Do vậy, việc để cho Bùi Mạnh Quốc là người không có chuyên môn bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống nước chạy thận nhân tạo dẫn đến chết người là do sự thiếu trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện và Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế.
Trước việc đại diện Viện kiểm sát đưa ra các giả thiết như: Nếu có bàn giao, nếu có xét nghiệm, nếu có cảnh báo, nếu không dùng hóa chất cấm thì sẽ không xảy ra hậu quả chết người, luật sư Thiệp đặt câu hỏi: “Vậy tại sao Viện kiểm sát không đặt ra giả thiết rằng: Nếu đến ngày các bệnh nhân cần phải lọc máu mà không được chạy thận nhân tạo thì bệnh nhân có chết không? Nếu bác sĩ Hoàng Công Lương không chữa bệnh để cho các chất độc ngấm vào cơ thể thì các bệnh nhân có chết vì bệnh nặng không?
Tại sao VKS không đặt giả thiết: Nếu thay đủ 4 màng lọc, nếu đấu thầu theo đúng quy định để chọn ra nhà thầu có đầy đủ năng lực, nếu Giám đốc và Trưởng phòng vật tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sửa chữa bảo dưỡng, thay thế định kỳ các thiết bị y tế thì có xảy ra hậu quả chết người không?”.
Căn cứ nào để khẳng định bác sỹ Lương vô tội?
Từ những phân tích nêu trên, căn cứ vào cáo yếu tố cấu thành tội phạm, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội, bởi những lẽ sau:
Về mặt chủ thể, chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chủ thể đặc biệt chỉ có những người có trách nhiệm, quyền hạn mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa, cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương (áo xanh) không có tội.
Bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị nên chỉ có trách nhiệm khám và làm các xét nghiệm sinh học cho bệnh nhân và có những phác đồ điều trị phù hợp. Bác sĩ không có trách nhiệm và không buộc phải biết chất lượng của vật tư y tế, trong quy chế làm việc đã phân định rõ Phòng Vật tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng của vật tư y tế.
Về mặt khách thể, các bệnh nhân tử vong không phải do việc bác sĩ Hoàng Công Lương điều trị không đúng phác đồ hay không đúng quy trình khám chữa bệnh mà các bệnh nhân chết do nguồn nước chạy thận chứa hóa chất cấm.
Do đó, bác sĩ không xâm hại đến khách thể là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ là sức khỏe tính mạng của con người.
Về mặt chủ quan, bác sĩ Hoàng Công Lương không được giao trách nhiệm sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 trong quy chế bệnh viện, không quy định bác sĩ điều trị phải xét nghiệm hay nhận bàn giao thiết bị y tế. Bác sĩ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng hiệu năng của thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, thiết bị y tế.
Như vậy, về mặt chủ quan, bác sĩ Lương đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy chế bệnh viện, quy chế làm việc của bệnh viện và các quy định khác về nghĩa vụ của viên chức theo pháp luật về công chức, viên chức.
Về mặt khách quan, việc sửa chữa bảo dưỡng thiết bị y tế không thuộc trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương nên bác sĩ không buộc phải biết chất lượng nước có đảm bảo hay không.
Việc chạy thận nhân tạo là công việc thường xuyên của bác sĩ nên hành vi ra y lệnh của bác sĩ là đúng với quy chế làm việc. Thời gian bác sĩ ra y lệnh phù hợp với thời gian làm việc của bệnh viện.
Luật sư Thiệp cho rằng quá trình xét xử tại Tòa án đã làm rõ mối quan hệ nhân quả và những người có hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra hậu quả làm chết người. Tất cả các chứng cứ có trong hồ sơ cũng như các chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa đã cho thấy bác sĩ Lương không có hành vi nào vi phạm pháp luật, không có trách nhiệm nên không có tội thiếu trách nhiệm như cáo trạng truy tố.
Từ những lập luận trên, luật sư Lê Văn Thiệp kết luận việc Viện kiểm sát cáo buộc bác sĩ Hoàng Công Lương phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng vì không thỏa mãn đủ bốn dấu hiệu phạm tội. Đề nghị tuyên bác sỹ Hoàng Công Lương không phạm tội.
Luật sư Thiệp cũng đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố đối với ông Trương Quý Dương (Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế của BVĐK tỉnh Hòa Bình) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Làm giả giấy tờ, tài liệu.
Cuối cùng, luật sư Thiệp kiến nghị ngành Y tế sớm ban hành, hoàn thiện quy trình y tế về lọc nước RO trong chạy thận nhân tạo.
>>> XEM THÊM: Nếu bị phạt tù treo, BS Hoàng Công Lương có được tiếp tục làm việc?