Ngay từ khi bắt đầu biết đeo gùi theo mẹ lên nương, cầm kim, các bé gái Dao bản Mậu đã được chị, được mẹ dạy cho cách chọn sợi, lựa màu, cách thêu nên một bộ trang phục truyền thống. Để có được một tấm vải thêu đẹp, sắc màu tươi tắn thì ngay từ khâu chọn sợi, pha màu nhuộm... đều phải rất tỉ mẩn, cẩn thận.
Các mẹ, các chị truyền nghề thêu cho các em gái mới lớn. |
Theo phong tục của người Dao nơi đây, phụ nữ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ. Hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ. Cửa tay áo, nẹp xung quanh tà áo trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ và trắng. Riêng ở gấu vạt trước và sau được thêu hai nẹp tách rời nhau, trông xa như hai áo mặc lồng nhau...
Sau khi hai bên gia đình thống nhất gặp nhau để chọn ngày cho đôi trẻ nên vợ, nên chồng thì phần việc đầu tiên của cô gái là phải dò hỏi để biết nhà chồng tương lai có bao nhiêu anh em trai. Biết được rồi, cô sẽ tranh thủ từng ngày, thậm chí thức cả đêm để thêu tặng vật biếu cho anh em bên đằng chồng...
Ngày nay, nếu có dịp đặt chân vào bản Mậu, ta vẫn bắt gặp dưới mái nhà sàn bên suối những thiếu nữ tuổi trăng tròn ngồi say sưa, cần mẫn thêu khăn áo, mũ miều. Một tấm vải thêu giản dị nhưng lặn vào trong đó biết bao công sức, sự khéo léo của người sơn nữ ở mỗi đường kim mũi chỉ và cả những ước nguyện sâu kín về một gia đình đầm ấm, vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Vinh Minh