Hơn 400 gốc mận hậu trên diện tích 2ha của nhà anh Hòa được trồng từ năm 1990. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Mạnh Hòa, kể lại: “Thời đó, trồng mận chỉ để ănchơi chơi chứ chưa có giá như bây giờ nên khi trồng xong thì tôi mặc kệ. Làm gì đã có khái niệm chăm bón mận hậu như bây giờ đâu. Cây bói được quả nào thì ăn quả đấy, còn không có quả thì thôi cũng chẳng thấy buồn...”.
Hơn 400 gốc mận nhà anh Phạm Mạnh Hòa cây nào, cây nấy đều cho quả sai trĩu trịt
Vào những năm 2011 – 2012, mận hậu có giá, nhận thấy nhiều hộ dân thu lãi được tiền trăm triệu mỗi nă, anh Hòa nghĩ thầm, nhà cũng trồng mận như bà con sao mận mình bói quả ít, mẫu mã thì xấu bán không được giá như các hộ khác.
Qua những lần được bà con chia sẻ kinh nghiệm cộng với kiến thức học được từ sách báo, gia đình anh Hòa bắt tay ngay vào công việc chăm cây mận hậu. Theo anh Hòa, muốn cây mận cho sai quả và chất lượng cần phải trồng và chăm đúng kỹ thuật. Khoảng cách giữa các gốc cây có thể trồng cách nhau từ 6 – 7m.
Cây mận được chăm bẵm đầy đủ nên quả nào cũng căng mọng, ngọt nước
Nói về cách bón phân cho cây mận, anh Phạm Mạnh Hòa, cho biết: “Tùy vào độ tuổi của cây và điều kiện thổ nhưỡng mỗi vùng mà lượng phân bón sẽ khác nhau. Riêng mận nhà mình, đất đai ở Mộc Châu trồng mận thì không phải nói rồi. Mỗi năm, mình thường bón phân 3 lần, phân chuồng kết hợp với một ít phân hóa học như sau: Thời điểm chuẩn bị thu quả bón mỗi gốc 10kg phân chuồng kết hợp với một ít phân kali, phân lân; sau đó, bón ítlLân, lali để phục hồi sau vụ cho quả; tiếp đó bón thêm ít phân chuồng và phân tổng hợp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trước khi ngủ đông”.
Cũng theo anh Hòa, hàng năm sau khi thu hoạch quả, cây mận hậu cần được tỉa bỏ những cành tăm, cành bị sâu bệnh để cây thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của sâu bệnh. Cây mận thường hay bị sâu róm, rệp, phấn trắng… trong đó, sợ nhất là bệnh phấn trắng và rệp sáp nên cần phòng trừ bằng cách cắt tỉa và đốn tỉa cây, sử dụng một số loại thuốc để phun phòng trừ.
Theo lời anh Phạm Mạnh Hòa, phân chuồng cung cấp chất dinh dưỡng, chất mùn hữu cơ và kích thích các hoạt động của vi sinh vật trong đất để tạo độ phì nhiêu
So với cây ăn quả khác, việc chăm bón cây mận nhàn và chi phí đầu tư ít. Năm 2017, anh Hòa bỏ ra chi phí khoảng 30 triệu đồng chăm sóc mận rồi chờ đến mùa bán cả vườn cho thương lái với giá 200 triệu đồng để họ tự hái. Năm nay, cũng với cách làm như năm ngoái, sau khi trừ đi chi phí 30 triệu đồng tiền phân bón, thuốc men, nhân công, anh Hòa bỏ túi 200 triệu đồng.