Dân Việt

Bình luận: Thất vọng với Mỹ, Đức quay sang bắt tay Trung Quốc

Tiểu Đào 26/05/2018 21:30 GMT+7
Đức đã quá chán ngán với chính sách đối ngoại của Mỹ. Chuyến thăm của Thủ tướng Angela Merkel tới Nga và Trung Quốc đã thể hiện điều đó.

Châu Âu sẽ "tự lo"

img

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 24.5.2018. Ảnh: Reuters.

Vào ngày 10.5.2018, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai nói rằng châu Âu không còn thể dựa vào sự bảo vệ của Mỹ nữa và lục địa già sẽ bắt đầu “tự lo cho chính mình”.

“Nước Mỹ đơn giản là đã không thể bảo vệ chúng ta nữa. Châu Âu cần phải tự nắm lấy vận mình của mình. Đó là mục tiêu tương lai của chúng ta”, Thủ tướng Merkal nói trong bài phát biểu chào đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Không khó để có thể thấy, lời bình luận này nhắm thẳng tới quyết định rút khỏi Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA), hay còn được biết đến với cái tên Thỏa thuận hạt nhân Iran, đầy tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong vòng vài tuần sau đó, cô học trò của Helmut Kohl đã cho thấy mình không hề nói suông. Vị Thủ tướng đã lần lượt thăm cả Nga và Trung Quốc, cả hai đều là những đối thủ lớn của Mỹ. Kết quả của hai chuyến thăm này mang tới dấu hiệu rằng sẽ có một sự tái cấu trúc quyền lực một cách hoàn toàn ở cả châu Âu lẫn châu Á.

Đức – Trung Quốc: Bạn chung chí hướng mới

Vào hôm thứ Năm (24.5) vừa rồi, chào đón bà Merkel tới Bắc Kinh, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ “mở cửa hơn nữa” với các doanh nghiệp Đức. Cả Trung Quốc và Đức đều cùng chia sẻ lợi ích trong việc chống lại kế hoạch áp thuế nhằm triệt tiêu thâm hụt thương mại của Tổng thống Trump.

Ngoài vấn đề thương mại, vấn đề ngoại giao cũng là thứ khiến Đức ngày càng “gai mắt” với Mỹ. Trong quá khứ, cả bà Merkel lẫn ông Macron đều đã cố thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ ở lại JCPOA. Thậm chí, hai vị nguyên thủ này còn cùng với Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra một tuyên bố chung về việc này.

Nên nhớ rằng chính bản thân Thủ tướng May cũng là một người có quan điểm “diều hâu” với Iran. Thế nhưng, nước Anh vẫn ở lại JCPOA, còn nước Mỹ thì không.

Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi nhiều quan chức Đức, theo Reuters dẫn lời lại, đã bình luận rằng “chính sách thương mại theo kiểu ‘Nước Mỹ là trên hết’ cũng như quyết định rút khỏi thỏa thuận Iran đã đẩy Bắc Kinh và Berlin lại gần nhau hơn”.

Bằng việc xé bỏ JCPOA, trừng phạt Iran và thậm chí là đe dọa trừng phạt các doanh nghiệp EU làm ăn với Iran, Mỹ làm hài lòng được Israel và Ả Rập Saudi nhưng lại đánh mất các đồng minh châu Âu vốn mạnh mẽ và quan hệ truyền thống hơn nhiều.

Rõ ràng là đây là một hành động dại dột, đẩy đồng minh của mình, lợi thế và vị thế của mình về phía đối thủ là Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cố tình hay vô tình làm việc này?

Không ai rõ.

Mặt khác, nếu là cố tình, tại sao Mỹ lại đi theo đuổi một chính sách đối ngoại kiểu “tự sát”, tự cô lập mình như vậy? Nên nhớ rằng, nếu có cơ hội, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại – đồng nghĩa với việc xứ cờ hoa sẽ không duy trì được vị thế số 1 của mình hơn nữa.

Có lẽ, chỉ có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi này.