Dân Việt

Đội quân hùng mạnh của Hồ Quý Ly và bài học cho hậu thế

Nguyễn Thanh Điệp 30/05/2018 16:31 GMT+7
Hồ Quý Ly là một trong những người có nhiều cải cách tích cực nhất trong số vua chúa thời phong kiến. Dù sở hữu đội quân hùng mạnh, nhà Hồ vẫn thất bại vì không được lòng dân.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Quý Ly còn có tên khác là Lê Quý Ly, sinh năm 1335, quê ở Đại La, Vĩnh Lộc (nay thuộc Hà Trung, Thanh Hóa).

Năm 1400, Hồ Quý Ly phế ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lập làm vua. Ông ở ngôi đến năm 1401 thì nhường lại cho con trai Hồ Hán Thương để làm thái thượng hoàng.

Cho dù bị người đời sau lên án vì truất ngôi nhà Trần, cũng như để đất nước rơi vào tay quân đô hộ phương Bắc, không vì thế mà lịch sử có thể không khắc ghi những công lao của Hồ Quý Ly với nước nhà. Ông là vua đã có rất nhiều cải cách tiến bộ, vượt tầm thời đại, với mong muốn đất nước trở nên hùng cường hơn.

Cải cách giáo dục

Dưới thời trị vì của mình, Hồ Quý Ly gần như đã tiến hành cải cách toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, nổi bật phải kể đến tiền tệ, khoa cử và quân sự.

Năm 1396, Hồ Quý Ly cho ban hành tiền giấy gọi là “thông bảo hội sao” để thay cho tiền đồng. Tiền giấy có 7 loại với những kiểu hình vẽ khác nhau. Nhà nước quy định người làm giả phải tội chết, ai dùng tiền đồng bị bắt cũng bị tội như làm tiền giả.

Hồ Quý Ly cũng rất quan tâm giáo dục. Năm 1396, ông cho sửa lại chế độ thi cử, đặt kỳ thi hương ở địa phương và thi hội ở kinh thành. Những người đã thi hội phải làm thêm một bài văn do vua ra đề và chấm thi để định vị thứ bậc. Ông đã bỏ trường thi ám tả cổ văn để thay bằng thi kinh nghĩa trong 4 trường thi. Ngoài ra, ông đã đặt thêm trường thứ 5 để thi viết chữ và toán.

img

Hồ Quý Ly.

Hồ Quý Ly chính là người đầu tiên có công đưa toán học vào nội dung thi cử ở nước ta. Một quyết định cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của ông. Những cải cách của Hồ Quý Ly tiếp tục được duy trì trong các triều đại sau này. Dưới thời Lê, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Phép khoa cử đến đây mới đủ văn tự 4 trường, đến nay còn theo, không thay đổi được”.

Rõ ràng, dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhà Hồ cũng đã kịp để lại dấu ấn đối với nền giáo dục nước nhà. Ngay sau khi mới lên ngôi, ông mở khoa thi hội lấy đỗ 20 người, trong đó có Nguyễn Trãi - người sau này trở thành quân sư của Lê Thái Tổ, danh nhân văn hóa thế giới.

Quân đội hùng mạnh nhưng thất bại vì không được lòng dân

Trong hoàn cảnh lịch sử đ­ương thời, Hồ Quý Ly ý thức rất rõ sự đe dọa xâm lư­ợc quân sự của nhà Minh ở phía Bắc. Ông lại càng dốc sức tập trung xây dựng lực l­ượng quân sự.

Hồ Quý Ly mong muốn xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh. Có lần, ông nói với các quan rằng “làm sao để có 100 vạn quân để chống giặc Bắc?”.  

Theo kế sách của Viên Đồng tri khu mật sứ Hoàng Hối Khanh, năm 1401, Hồ Quý Ly ra lệnh làm sổ hộ tịch điều tra, nắm chắc dân số để tuyển binh lính. Năm 1406, khi quân Minh chuẩn bị xâm l­ược nư­ớc ta, Hồ Quý Ly tăng thêm số quân bằng cách “hạ lệnh cho ngư­ời có phẩm t­ước chiêu mộ những ng­ười vong mệnh làm quân dũng hãn”.

Chính nhờ những chính sách này, quân đội nhà Hồ lúc bấy giờ có số lượng rất lớn trong lịch sử n­ước ta.

Song song với những biện pháp về tổ chức lực lư­ợng quân đội và tăng cư­ờng sức mạnh, nhà Hồ còn chú trọng cải tiến vũ khí kỹ thuật, trang bị quân sự, ra lệnh mở xư­ởng đúc vũ khí, tuyển thợ giỏi vào làm việc trong các công x­ưởng quân sự.

Vũ khí, thiết bị quân sự vào thời kỳ này đã có những bư­ớc tiến quan trọng về mặt kỹ thuật và tính năng quân sự. Khi đó, Hồ Nguyên Trừng sáng chế ra loại súng thần cơ có sức công phá mạnh mẽ, hơn hẳn các loại khí giới đương thời. Thủy binh đã được trang bị thuyền chiến lớn hơn.

Bên cạnh đó, nhà Hồ chủ tr­ương xây dựng các hệ thống phòng tuyến trên mặt đất để phòng thủ quốc gia như thành Tây Đô, thành Đa Bang và cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400 km kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình.

Năm 1405, Hồ Hán Thương định quân Nam ban và Bắc ban, chia thành 12 vệ, quân Điện hậu đông và tây chia thành 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân thì 30 đội, trung đội thì 20 đội, mỗi doanh 15 đội, mỗi đoàn 10 đội, cấm vệ đô 5 đội, do đại tướng quân thống lĩnh. 

Tổng số quân trong 12 vệ Nam Bắc là 4.320 người, trong 8 vệ Đông Tây là 2.820 người. Trong đó, đại quân 540 người, trung quân 360 người; đặt hai vệ Thiên ngưu và Phủng thần, thuộc quân Long tiệp, cùng đặt các chức thủy quân đô tướng và bộ quân đô úy.

Hương binh chọn người có chức tước tạm cho cai quan quản. Mộ những kẻ vong mệnh làm quân dũng hãn, đặt chức thiên hộ và bách hộ để cai quản.

Theo các nhà sử học, nhà Hồ chính là một trong những triều đại xây dựng được nền quân sự hùng mạnh bậc nhất lịch sử nước ta. Tuy nhiên, khi quân Minh kéo sang xâm lược, cha con Hồ Quý Ly đã nhanh chóng thất bại do không được nhân dân ủng hộ.

Đúng như Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) từng nói với cha mình “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Đó là bài học lớn dành cho hậu thế.