Dân Việt

Chuyện lạ: Doanh nghiệp ngoại đổ xô đi bán... nông sản Việt

Khải Huyền 28/05/2018 18:35 GMT+7
Trong khi rất nhiều doanh nghiệp (DN) ngoại đổ xô đưa hàng hóa thâm nhập thị trường Việt Nam thì cũng có những DN ngoại tìm đường xuất khẩu nông sản Việt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng chính quốc.

Công ty MM Mega Market Việt Nam (thuộc tập đoàn BJC - Thái Lan) vừa cho biết, đã xuất khẩu thành công đơn hàng đầu tiên hơn 100 tấn nông sản Việt Nam sang hệ thống BigC Thái Lan. Lô hàng này gồm thanh long, khoai lang giống Nhật, khoai lang vàng, khoai lang tím và một số nông sản khác do nông dân Việt Nam sản xuất.

Nguồn nông sản này được MM Mega Market xuất khẩu sang Thái Lan và phân phối tại hệ thống 700 siêu thị BigC. Đây là đơn hàng đầu tiên kể từ khi công ty này được cấp giấy phép xuất khẩu từ cuối năm 2017.

Ông Phidsanu Pongwatana, Tổng giám đốc Công ty MM Mega Market cho rằng, việc xuất khẩu nông sản Việt sang Thái vừa giúp mang lại nguồn hàng phong phú, cạnh tranh cho hệ thống Big C Thái Lan, đồng thời, hỗ trợ được nông dân Việt Nam đưa các sản phẩm nông sản chất lượng cao ra các nước trong khu vực.

img

Đã có 45 tấn khoai lang Việt Nam được doanh nghiệp ngoại đóng thùng rồi xuất khẩu sang Thái Lan.

Cũng theo ông Phidsanu Pongwatana, ngoài các đơn đặt hàng ổn định trên 100 tấn mỗi tháng đã có, hiện tai doanh nghiệp này đang triển khai xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh, ước tính trung bình hơn 50 tấn mỗi tháng. Trước đó, trong năm 2017, MM Mega Market cũng hỗ trợ xuất khẩu thành công hơn 1.200 tấn thanh long và một số mặt hàng nông sản khác.

Không chỉ hấp dẫn người tiêu dùng Thái Lan, khoai lang Việt Nam còn được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý đầu tư để xuất khẩu ngược về nước.

Ông Sakurai Yoshimitsu – Trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế, Công ty SaladBowl  (Nhật Bản) cho rằng, Nhật Bản là đất nước có khí hậu khắc nghiệt, mùa đông kéo dài và rất khó canh tác. Do đó, mỗi năm, Nhật Bản chỉ thu hoạch được một vụ lúa, một vụ khoai lang.

Ngược lại, Việt Nam có khí hậu thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Mỗi năm, Việt Nam có thể thu hoạch 2 – 2,5 vụ khoai lang. Ngoài ra, khoai lang ở Việt Nam có thể tăng gấp đôi sản lượng, chất lượng nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác của Nhật Bản.

Do đó, doanh nghiệp này mong muốn sẽ tạo ra những sản phẩm “made by Japan” ở Việt Nam, tức là những sản phẩm nông sản làm theo công nghệ Nhật, cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản và giúp nâng cao thu nhập cho nông dân Việt Nam.

img

Sản phẩm vải thiều Việt Nam cũng được xuất khẩu sang Thái bởi tập đoàn Central Group (Thái Lan).

Tại Việt Nam, SaladBowl cũng đã liên kết trồng hoa cúc, hoa cẩm chướng… tại tỉnh Lâm Đồng để xuất khẩu hoàn toàn sang Nhật Bản. Với diện tích nông trại khoảng 6ha, Saladbowl dành 1ha dùng để sản xuất giống và 5ha còn lại để sản xuất hoa cúc xuất khẩu. Với đầu tư công nghệ nhà kính từ 8 tỷ đến 10 tỷ/ha, việc trồng hoa được đánh giá là đã thoát khỏi những rủi ro về mặt thời tiết.

Theo một đại diện SaladBowl, tuy hoa cúc là quốc hoa của Nhật Bản nhưng điều kiện khí hậu và chi phí nhân công cao khiến việc trồng hoa cúc ở Nhật không phát triển mạnh. Ngược lại, Việt Nam đang có những lợi thế rất đặc biệt cùng với lợi thế về khoảng cách đã giúp hoa cúc Việt Nam dễ dàng đến Nhật hơn.

Trong năm 2017, doanh nghiệp này đã xuất khẩu trên 1 triệu cành hoa các loại sang Nhật Bản. Số lượng này sẽ tăng lên khoảng 8,5 triệu cành hoa vào năm 2018. Với con số này, Saladbowl sẽ đưa Việt Nam tiến lên vị trí thứ 3 trong các nước xuất khẩu hoa sang Nhật Bản.

Trong năm 2017, Bộ Công thương cũng đã tổ chức kết nối giữa đoàn DN Việt với 7 tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon... Việc này đã một phần giúp kết nối hàng Việt Nam với các hệ thống phân phối lớn trên thế giới, giúp nhiều doanh nghiệp nước ngoài biết đến nông sản Việt nhiều hơn.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, hàng nông sản Việt Nam có chất lượng tốt, có thể cạnh tranh được với nhiều nguồn nông sản khác trên thế giới. Tuy nhiên, một số sản phẩm khi sản xuất đại trà lại khó kiểm soát được chất lượng, không đồng đều hoặc nguồn hàng không ổn định. Do đó, việc doanh nghiệp nước ngoài “tự thân vận động”, tự tìm kiếm nguồn hàng rồi xuất khẩu về nước họ để phân phối lại cũng là điều dễ hiểu.

Còn theo Bộ Công thương, vài năm gần đây, Bộ này đã phối hợp với các nhà phân phối châu Âu như Casino (Pháp), Metro Cash & Carry và Sehrgros (Đức), Makro (Czech), Coop và Conad (Ý), Aeon và Lotte ở châu Á… tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam nhằm quảng bá hàng trong nước và kết nối trực tiếp doanh nghiệp với các chuỗi phân phối nước ngoài.